Monday, December 30, 2013

Trắc nghiệm tổn thương (0 - 9 tháng)



Các nhà tâm lý học phát triển gọi giai đoạn từ 0 đến 9 tháng tuổi của trẻ là giai đoạn của mối quan hệ cộng sinh. Tức là, dù đã ra khỏi bụng mẹ, nhưng về mặt tâm lý, trẻ vẫn tự coi mình là một phần không tách rời của mẹ. Vậy nên, trẻ sẽ cảm nhận về mình đúng theo những gì mà mẹ cảm nhận về trẻ. Ngược lại, trẻ cũng cần mẹ làm tấm gương phản chiếu để trẻ có thể nhận biết những biểu hiện của mình...


Nếu trong giai đoạn này, trẻ không được bố mẹ dành thời gian quan tâm đúng mức, thì từ trong vô thức, trẻ sẽ luôn cảm thấy bất an, thiếu hụt... Trẻ cũng không còn tin vào các cảm giác, các nhu cầu căn bản của cơ thể... Nếu bị tổn thương nặng, thì thậm chí trẻ sẽ không còn tin tưởng, lạc quan vào con người và cuộc sống... Những điều này sẽ để lại vô số hệ quả tai hại cho đời sống tương lai của trẻ mà những biểu hiện cụ thể bạn có thể thấy trong bài trắc nghiệm sau.

1. Bạn đã từng/hiện đang ăn quá nhiều/ít, uống rượu bia nhiều, quá béo/gầy. 

Đúng_____ Sai_____ 

2. Bạn không tin rằng mình có đủ năng lực để nuôi sống bản thân, đáp ứng được những nhu cầu căn bản. Bạn nghĩ rằng mình phải tìm/lấy một anh chàng/cô nàng nào đó để có thể đáp ứng các nhu cầu đó cho bạn.

Đúng_____ Sai_____

3. Bạn thấy khó có thể tin tưởng người khác. Bạn nghĩ mình phải luôn kiểm soát được tình hình. 

Đúng_____ Sai_____ 

4. Bạn không giỏi trong việc nhận biết được những biểu hiện của nhu cầu cơ thể: no/đói, khỏe/mệt. Trong khi làm việc, bạn thường không nhận biết được tình trạng sức khỏe của mình (đang mệt mỏi đến mức độ nào). 

Đúng_____ Sai_____ 

5. Bạn thường bỏ mặc/ không đáp ứng những nhu cầu căn bản của cơ thể. Bạn không quan tâm nhiều đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe hoặc bạn không tập thể dục đều đặn. Bạn chỉ đi tới bệnh viện khi lâm vào tình trạng nguy cấp. 

Đúng_____ Sai_____ 

6. Bạn cực kỳ sợ bị bỏ rơi, ghẻ lạnh. Ban cảm thấy rất tuyệt vọng khi tình yêu tan vỡ. 

Đúng_____ Sai_____ 

7. Bạn từng nghĩ đến chuyện tự tử khi tình yêu kết thúc (người yêu bạn bỏ bạn, vợ/ chồng đề nghị ly hôn). 

Đúng_____ Sai_____ 

8. Bạn thường cảm thấy bạn không thực sự thích hợp, hay thuộc về bất cứ nơi nào. Bạn cảm thấy những người xung quanh không đón chào, không mong muốn bạn có mặt trên cõi đời này. 

Đúng_____ Sai_____ 

9. Trong giao tiếp ngoài đời, bạn cố gắng trở nên “vô hình” để không ai chú ý đến sự hiện diện của bạn? 

Đúng_____ Sai_____ 

10. Trong mối quan hệ tình cảm, bạn cố gắng làm mọi việc có thể để mình trở nên có ích trong mắt người kia, để họ không thể xa lánh, bỏ rơi bạn. 

Đúng_____ Sai_____ 

11. Bạn thấy thích/ thường mơ tưởng tới khẩu dâm. 

Đúng_____ Sai_____ 

12. Bạn rất khát khao được vuốt ve, xúc chạm, ôm ấp. (Bạn thường chạm/ ôm người khác mà chưa có sự cho phép của họ.) 

Đúng_____ Sai_____ 

13. Bạn có nhu cầu rất lớn được trân trọng, động viên, công nhận. 



Đúng_____ Sai_____ 

14. Bạn thường có nhừng lời lẽ chua cay để giễu cợt, chế nhạo người khác. 

Đúng_____ Sai_____ 

15. Bạn thường sống đơn độc một mình. Bạn cảm thấy chẳng bõ công để cố gắng tạo dựng các mối quan hệ xã hội. 

Đúng_____ Sai_____ 

16. Bạn là người khờ dại, cả tin, dễ bị lừa. Bạn thường chấp nhận ngay ý kiến của người khác mà không hề suy xét, cân nhắc. 

Đúng_____ Sai_____ 

17. Bạn thường bi thu hút đến mức ám ảnh vào bộ ngực của người nữ.

Đúng____ Sai______

Nếu bạn trả lời "đúng" càng nhiều, thì mức độ thiếu hụt/tổn thương của bạn trong giai đoạn từ 0 đến 9 tháng tuổi càng lớn.

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Thursday, December 26, 2013

Bạn cần một cái tôi mạnh mẽ...


"A strong integrated ego gives you a sense of confidence and control. Reclaiming and championing your wounded inner child allows you to heal and integrate your ego. Once integrated, your ego then becomes the source of strength that allows you to explore your wonder child: your essential self. Paradoxical as it may seem, your ego needs to be strong enough to let go of its limited defensiveness and control. You need a strong ego to transcend ego. To give a crude example: the ego is like the booster rocket that puts you into orbit. Your soul takes over from there, operating in the unlimited expanse of outer space."

"Một cái tôi hòa hợp mạnh mẽ sẽ cho bạn cảm giác tự tin và tự chủ. Chữa trị và bênh vực cho đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn sẽ giúp bạn hàn gắn và hòa hợp với cái tôi. Một khi đã hòa hợp, cái tôi sẽ trở thành suối nguồn của sức mạnh, giúp bạn khám phá "đứa trẻ kỳ diệu trong mình", tức "cái tôi đích thực". Dù nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cái tôi cần mạnh mẽ đủ để buông bỏ những sự phòng vệ và kiểm soát đầy hạn chế của nó. Bạn cần một cái tôi mạnh mẽ để siêu việt cái tôi. Thử lấy một ví dụ thô thiển: cái tôi giúp như cái tên lửa trợ lực đẩy bạn vào quỹ đạo, Tâm hồn bạn sẽ nhận nhiệm vụ từ đó, vận hành ngoài không gian vô hạn."

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, December 23, 2013

Cái tôi và tự ngã (II)


Sau đây chúng ta sẽ nhắc đến nhiều lần ba thuật ngữ để miêu tả các hình thái khác nhau của sự liên hệ giữa cái tôi và tự ngã. Các thuật ngữ này có lẽ nên được giới thiệu ngay từ đầu. Chúng là: "phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã" (ego-self identity), "sự phân tách của cái tôi khỏi tự ngã" (ego-self separation) và "trục nối cái tôi và tự ngã" (ego-self axis). Ý nghĩa của các thuật ngữ này được biểu thị trong các hình sau, chúng thể hiện các giai đoạn tiến triển trong mối quan hệ giữa cái tôi và tự ngã. 



Các hình này thể hiện các giai đoạn tiến triển của sự phân tách của cái tôi khỏi tự ngã trong quá trình phát triển tâm lý. Vùng gạch chéo thể hiện một phần cá tính của cái tôi còn đồng hóa với tự ngã. Các nét gạch đứt nối trọng tâm cái tôi với trọng tâm tự ngã thể hiện trục nối cái tôi và tự ngã, mối quan hệ liên kết trọng yếu giữa cái tôi và tự ngã để đảm bảo sự hội nhập của cái tôi...

Quan sát trên lâm sàng dẫn đến kết luận rằng sự hội nhập và an ổn của cái tôi phụ thuộc, trong tất cả các giai đoạn phát triển, vào mối quan hệ còn có với tự ngã… 

Các tác động làm tổn hại cho trục nối cái tôi và tự ngã dẫn đến sự biệt li giữa cái tôi và tự ngã. Trong tình huống này, cái tôi mất đi ít nhiều sự quan hệ trọng yếu với tự ngã - gốc gác của cái tôi và cội nguồn đem đến năng lượng và an ổn cho nó. Dù sự biệt li giữa cái tôi và tự ngã và sự phân tách giữa cái tôi và tự ngã thường xảy ra cùng nhau, tôi nghĩ rằng việc phân biệt rõ ràng hai tiến trình này là điều quan trọng. Lý tưởng mà nói, sự phân tách giữa cái tôi và tự ngã sẽ dẫn tới sự thu nhỏ dần dần của phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã mà không ảnh hưởng tiêu cực đến trục nối cái tôi và tự ngã và cuối cùng dẫn đến sự ý thức về cái trục nối đó. Sự biệt li giữa cái tôi và tự ngã, tuy nhiên, lại phá hỏng trục nối cái tôi và tự ngã và làm kìm hãm, cản trở sự trưởng thành...

Dù là cho mục đích diễn tả, phân biệt "sự phân tách của cái tôi khỏi tự ngã" với "sự biệt li giữa cái tôi và tự ngã" là điều hữu ích, trong thực tế chúng luôn xảy ra cùng nhau ở một mức độ nào đó. Điều này có thể do thực tế là trong các giai đoạn phát triển ban đầu, "trục nối cái tôi và tự ngã" hoàn toàn vô thức và [do đó người ta] không thể phân biệt [được nó] với "phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã." Do đó, bất cứ sự đối diện với thực tại gây phiền não nào mà làm biến đổi cái sau [tức "phần cá tính..."] thì có khả năng ảnh hưởng tới cái trước [tức "trục nối..."]. Mặt khác, trong tâm lý trị liệu, khi trục nối cái tôi và tự ngã đang trải qua điều trị, thì quá trình này cũng đồng thời kích hoạt phần cá tính của cái tôi vẫn còn đồng nhất với tự ngã.

Tôi vừa cố gắng phân biệt hai phương diện của mối quan hệ giữa cái tôi và tự ngã. Trong đó một phương diện, nghiêm khắc mà nói, hoàn toàn không phải là mối quan hệ, mà là phần cá tính kiêu căng, tự mãn sơ khai của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã xuất phát từ trạng thái toàn vẹn ấu thơ ban đầu. Còn phương diện kia được gọi, theo Neumann, là trục nối cái tôi và tự ngã và liên quan tới mối liên kết trọng yếu giữa tự ngã và cái tôi, nhằm duy trì sự tự chủ vận hành của cái sau [tức cái tôi]. Tiến trình tâm lý trị liệu và trưởng thành nói chung dường như thay đổi luân phiên giữa (i) sự biểu hiện của phần cá tính của cái tôi vẫn còn đồng nhất với tự ngã, đòi hỏi sự phê bình theo lối quy giản (reductive criticism), và (ii) nhu cầu tăng cường hay phục hồi trục nối cái tôi và tự ngã, điều này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hp trên tinh thần nâng đỡ… Bởi cái tôi không thể tồn tại mà không có sự hỗ trợ của tự ngã và tự ngã có vẻ cũng cần cái tôi nhận ra nó, sự trưởng thành có thể được coi như một tiến trình biện chứng liên tục giữa cái tôi và tự ngã dẫn tới nghịch lý: cả sự phân tách nhiều hơn lẫn sự mật thiết lớn hơn. 

Edward Edinger (1960). The Ego-Self Paradox. Journal of Analytical Psychology, Vol. 5, pp. 3-18
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Đọc thêm:

Sunday, December 22, 2013

Bản chất của thói nghiện ngập


"Addictions are an attempt to fill the hole in one’s psyche." 


"Thói nghiện ngập là một nỗ lực [mà người ta dùng] để lấp đầy khoảng trống [thiếu hụt] trong tâm thức [mình]."

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child


Làm sao để có thể thực sự lấp đầy khoảng trống thiếu hụt này?

Thay vì hướng ngoại đề tìm mọi cách khỏa lấp sự thiếu hụt đó, bạn hãy dành thời gian quay vào bên trong, tiếp xúc với nó, cảm nhận nó như hướng dẫn sau đây:


"It's like a mother, when the baby is crying, she picks up the baby and she holds the baby tenderly in her arms. Your pain, your anxiety is your baby. You have to take care of it. You have to go back to yourself, recognize the suffering in you, embrace the suffering, and you get a relief."

"Như một bà mẹ khi thấy đứa con của mình khóc, cô bế nó lên và dịu dàng ôm ấp nó. Nỗi đau đớn, sự lo lắng chính là đứa bé của ta. Ta phải chăm sóc nó. Ta phải quay lại với bản thân mình, nhận ra sự đau đớn ở trong mình, ôm ấp nó, và rồi ta sẽ thấy nó dịu đi."


Thich Nhat Hanh, Oprah Winfrey talks with Thich Nhat Hanh


Đỗ Hoàng Tùng & Nguyễn Chí Cương dịch

Thursday, December 19, 2013

Bạn không thể yêu mình trừ khi...


"For years mental health professionals taught people that they could be psychologically healthy without social support, that "unless you love yourself, no one else will love you." Women were told that they didn't need men, and vice versa. People without any relationships were believed to be as healthy as those who had many. These ideas contradict the fundamental biology of human species: we are social mammals and could never have survived without deeply interconnected and interdependent human contact. The truth is, you cannot love yourself unless you have been loved and are loved. The capacity to love cannot be built in isolation." 


“Trong nhiều năm qua, những người hành nghề [liên quan đến] sức khỏe tinh thần được dạy rằng tâm lý của họ có thể lành mạnh mà không cần có sự hỗ trợ [từ các mối quan hệ] xã hội, rằng “trừ phi bạn yêu thương chính mình, thì chẳng ai sẽ yêu thương bạn.” Người ta bảo phụ nữ rằng họ không cần đàn ông, và ngược lại. Người ta tin rằng con người nói chung không cần bất cứ mối quan hệ xã hội nào cũng có [đời sống tinh thần] lành mạnh như những người có nhiều [mối quan hệ xã hội]. Những quan điểm này mâu thuẫn với nền tảng sinh học loài người: chúng ta là các sinh vật có vú, sống trong cộng đồng xã hội, và chúng ta không bao giờ có thể sống sót nếu thiếu đi sự liên hệ mang tính tương liên tương kết sâu sắc với người khác. Sự thật là, bạn không thể yêu chính mình trừ khi bạn đã yêu và được ai đó yêu. Năng lực yêu thương không thể được tạo dựng trong sự cô độc.”  

Dr. Bruce Perry, The Boy Who Was Raised as a Dog: And Other Stories from a Child Psychiatrist's Notebook - What Traumatized Children Can Teach Us About Loss, Love, and Healing
Đỗ Hoàng Tùng dịch 

Wednesday, December 18, 2013

Đứa trẻ trong ta


Khái niệm về "đứa trẻ trong ta" (Child Within) đã trở thành một phần của nền văn hóa thế giới ít nhất là từ 2000 năm qua. Carl Jung gọi nó là "đứa trẻ thần thánh/thần đồng” (Divine Child) còn Emmet Fox gọi là “đứa trẻ kỳ diệu/kỳ đồng" (Wonder Child). Hai nhà tâm lý liệu pháp Alice Miller và Donald Winnicott thì đề cập đến nó như là "chân ngã" (true self). Rokelle Lerner và những người khác trong chuyên khoa về các chất gây nghiện gọi nó là "đứa trẻ trong ta" (Inner Child).

Thuật ngữ “đứa trẻ trong ta” dùng để nói về một tinh thần tràn đầy sức sống, năng động, sáng tạo và mãn nguyện trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Nó là chân ngã của chúng ta, là con người đích thực của chúng ta.

Với sự giúp đỡ thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh và sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội, hầu hết chúng ta đều chối bỏ đứa trẻ trong mình. Khi đứa trẻ này không được nuôi dưỡng, được người ta cho phép tự do bộc lộ, thì một cái tôi sai lệch, giả tạo hay lụy thuộc (co-dependent) sẽ xuất hiện. Chúng ta bắt đầu sống với tâm thế nạn nhân, và gặp khó khăn khi phải giải quyết các tổn thương. Sự tích tụ dần dần của các vấn đề về tinh thần và cảm xúc chưa được giải quyết dứt điểm có thể dẫn đến các chứng bệnh mạn tính như lo lắng, sợ hãi, trống rỗng, bối rối và bất mãn.

Sự chối bỏ đứa trẻ trong ta và sự xuất hiện sau đó của một cái tôi lụy thuộc đặc biệt phổ biến ở những người lớn lên trong các gia đình bất ổn trục trặc, ở những gia đình có thành viên bị các bệnh mạn tính về thể chất hoặc tinh thần, quá nghiêm khắc, quá lạnh lùng, hay các gia đình thiếu sự quan tâm, săn sóc con cái. 

Tuy nhiên, vẫn có một giải pháp. Có một cách để khám phá và hàn gắn, bù đắp cho đứa trẻ trong ta và để thoát ra khỏi sự nô lệ và đau khổ của cái tôi sai lạc, cái tôi lệ thuộc của chúng ta... 

Đứa trẻ bên trong, hay cái tôi đích thực/chân ngã 

Cái tôi đích thực của chúng ta thì tự nhiên, cởi mở, dễ thương, rộng lượng, và thân thiện. Nó chấp nhận bản thân và người khác. Nó cảm nhận, cho dù các cảm xúc đó có thể là vui sướng hay đau khổ. Và nó thể hiện, giải tỏa các cảm xúc này ra bên ngoài. Cái tôi đích thực của chúng ta chấp nhận các cảm xúc mà không phán xét hay sợ hãi, và cho phép chúng tồn tại như là một cách hợp lý để đánh giá và nhận thức đúng các sự kiện xảy ra trong đời sống. 

Đứa trẻ bên trong ta thì nhạy cảm, cương quyết, và sáng tạo. Nó có thể “giống như trẻ con” trong ý nghĩa cao quý nhất, trưởng thành nhất và tiến hóa nhất của cụm từ này. Nó cần chơi đùa và vui vẻ. Nhưng nó cũng dễ bị tổn thương, có lẽ vì nó quá cởi mở và tin tưởng. Nó cống hiến cho bản thân, cho những người khác và tối hậu là cho vũ trụ. Thế nhưng nó cũng mạnh mẽ trong ý nghĩa thực sự của cái gọi là sức mạnh. Nó đam mê một cách lành mạnh, hưởng thụ niềm vui, lạc thú khi được trao cho, hay khi được săn sóc. Nó cũng mở lòng đón nhận một phần tâm hồn rộng lớn và bí ẩn mà chúng ta gọi là vô thức. Nó chú ý tới các thông điệp mà hằng ngày chúng ta nhận được từ vô thức, như các giấc mơ, các mâu thuẫn giằng xé và bệnh tật. 

Khi được là chính mình, nó sẽ tự do phát triển. Và trong khi cái tôi lụy thuộc của chúng ta lãng quên, thì cái tôi đích thực của chúng ta luôn nhớ về sự hợp nhất của chúng ta với người khác và với vũ trụ. Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, cái tôi đích thực cũng là cái tôi riêng tư (private self). Khó mà biết được lý do tại sao chúng ta đã lựa chọn không chia sẻ [con người thực của mình]? Có lẽ đó là nỗi sợ hãi bị tổn thương hay bị từ chối. Một số người đã ước tính rằng chúng ta thể hiện ra con người thật của mình với những người khác trung bình chỉ khoảng 15 phút mỗi ngày. Dù bởi lý do gì đi nữa, chúng ta cũng có xu hướng giữ kín con người thật của mình. 

Khi chúng ta "đến từ" con người thật của mình hay khi chúng ta là con người thật của mình, chúng ta cảm thấy tràn đầy sức sống. Chúng ta có thể cảm thấy tổn thương dưới các hình thức như đau khổ, tội lỗi, buồn bã hay giận dữ, nhưng dù thế nào chúng ta vẫn cảm thấy có niềm vui sống. Hay chúng ta có thể cảm thấy niềm vui, dưới các hình thức như mãn nguyện, hạnh phúc, cảm hứng hay thậm chí phúc lạc. Nhìn chung, chúng ta có xu hướng cảm nhận thực tại hiện tiền, đầy đủ, hoàn chỉnh, phù hợp, chân thực, toàn thể và lành mạnh. Chúng ta luôn cảm thấy có niềm vui sống. 


Đứa trẻ trong ta luôn song hành với ta từ thời điểm ra đời tới cho lúc chết đi và trong tất cả các kiếp sống cũng như quá trình chuyển tiếp giữa các kiếp sống. Ta không phải làm bất cứ điều gì để được là con người thật của mình cả. Nó chỉ là nó. Nếu chúng ta cứ để cho nó được là nó, thì nó sẽ thể hiện bản thân nó mà không cần có nỗ lực cụ thể nào về phía chúng ta cả. Thật vậy, bất kỳ nỗ lực nào cũng thường là để từ chối nhận thức về nó và biểu hiện của nó... 

Cái tôi giả tạo/ngụy ngã hay cái tôi lụy thuộc 

Ngược lại, một phần khác trong chúng ta thường cảm thấy bất mãn, khá chịu, căng thẳng hay không được sống thực sự,:”sống bên lề cuộc đời mình”. Tôi hay dùng các thuật ngữ sau đây thay thế cho nhau: cái tôi giả tạo (ngụy ngã), cái tôi lệ thuộc, cái tôi xã giao hay cái tôi không thực. 

Cái tôi giả tạo của chúng ta là một sự che đậy. Nó gượng gạo, rụt rè và sợ hãi. Nó là cái tôi vị kỷ và siêu ngã của chúng ta, luôn lập kế hoạch và cố gắng, luôn ích kỷ và keo kiệt. Nó hay ghen tị, hay chỉ trích, hay lý tưởng hóa mọi việc, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác và luôn cầu toàn. 

Xa rời cái tôi chân thực, cái tôi giả tạo luôn hướng tới người khác. Tức là, chẳng hạn, nó rất quan tâm đến việc người khác muốn nó phải như thế nào, nó quá tập trung vào việc làm hài lòng người khác. Nó chỉ yêu thương một cách điều kiện. Nó sống giả tạo, ngụy trang, luôn tìm cách giấu đi hoặc từ chối các cảm xúc. Thậm chí, nó tạo ra các cảm xúc giả tạo, như nó vẫn thường làm khi ai đó hỏi: “Anh nào dạo này thế nào?” Nó luôn trả lời chiếu lệ: “Tôi cũng bình thường.” Thông thường, sự hồi đáp nhanh chóng này là cần thiết hay hữu ích để tự vệ trước nhận thức đầy lo lắng, sợ hãi của ngụy ngã. Nó chẳng biết mình cảm thấy ra sao, cũng chẳng biết phê bình các cảm xúc này là “tốt” hay “xấu”. 

Thay vì bình tĩnh và quyết đoán một cách hợp lý như chân ngã, nó thường hoặc là quá chủ động hoặc là quá bị động một cách bất hợp lý. 

Cái tôi giả tạo có xu hướng là “những ông bố bà mẹ hay chê bai, chỉ trích”, một thuật ngữ của trường phái phân tích tương giao. Nó lảng tránh vui chơi. Nó giả vờ như mình rất mạnh mẽ hay thậm chí đầy quyền lực. Nhưng sức mạnh của nó thực ra rất nhỏ bé, hay có thể nói là không tồn tại và thực tế nó luôn sợ hãi, ngờ vực và tiêu cực. 

Bởi cái tôi lụy thuộc của chúng ta luôn muốn thu mình trong vỏ ốc và kiểm soát được mọi sự, nên nó chấp nhận mất đi sự chăm sóc từ người khác. Nó không thể buông xả, nhu thuận. Nó tự cho mình là đúng đắn và cố gắng ngăn cản các thông tin đến từ vô thức. Thậm chí, nó có xu hướng tái diễn lại nhiều lần những nội dung vô thức, thường là những khuôn mẫu đau khổ. Bởi vì nó quên mất sự nhất thể của chúng ta, nó cảm thấy tách biệt. Chúng ta nghĩ rằng những người khác và thậm chí cả chính ta nên là cái tôi xã giao. 

Hầu hết mọi lúc, sống với cái tôi giả tạo hay cái tôi lụy thuộc, chúng ta cảm thấy bất mãn, khó chịu, vô cảm, trống rỗng. Chúng ta không cảm thấy đáng sống, trọn ven, viên mãn, hay lành mạnh. Dù ở tình trạng nào, chúng ta cũng cảm thấy có điều gì đó không ổn, có điều gì đó thiếu vắng trong cuộc đời mình. 

Điều nghịch lý là, chúng ta thường thấy rằng cái tôi giả tạo này là trạng thái tự nhiên của mình, là con người mà mình “nên là”. Điều này có thể là sự nghiện ngập hay bám chấp của chúng ta vào lối hiện hữu đó. Chúng ta trở nên quá quen với việc là cái tôi lụy thuộc đến mức mà cái tôi chân thực của chúng ta cảm thấy tội lỗi, giống như là điều gì đó sai trái, đến mức mà chúng ta “không nên” cảm thấy đáng sống, và vui sống. Nghĩ đến việc thay đổi tình trạng này khiến người ta run sợ. 

Cái tôi giả tạo hay cái tôi lệ thuộc này xuất hiện phổ biến trong cộng đồng nhân loại. Nó được gọi bằng vô số cái tên trên sách vở cũng như trong đời sống của chúng ta. Người ta gọi nó bằng nhiều cái tên rất đa dạng, phong phú như là công cụ sinh tồn, tâm bệnh học, cái tôi vị kỷ và cái tôi phòng vệ hay cái tôi thiểu năng (Masterson, 1985). Nó có thể hủy hoại cá nhân, tha nhân và các mối quan hệ thân tình gắn bó. Tuy nhiên, nó là một con dao hai lưỡi. Nó cũng có những điểm hữu ích. Nhưng nó hữu ích như thế nào? Trong trường hợp nào?

Bài thơ sau đây của Charles C. Finn nói đến rất nhiều những cuộc tranh đấu của chúng ta với cái tôi giả tạo. 

Xin hãy nghe điều tôi chẳng nói ra *

Xin đừng mắc lừa tôi. 
Xin đừng mắc lừa khi nhìn vào vẻ mặt tôi đang mang
bởi tôi đeo mặt nạ, cả ngàn cái mặt nạ,
những mặt nạ mà tôi sợ gỡ ra, 
và chẳng cái nào là tôi cả.

Giả vờ là cả một nghệ thuật, và nó đã trở thành bản chất của con người tôi,
nhưng đừng mắc lừa tôi nhé,
Chúa ơi, đừng mắc lừa tôi nhé!

Tôi cho bạn cái cảm giác rằng tôi yên ổn
rằng mọi sự đều sáng sủa và êm ả trong tôi, cả bên trong tâm lẫn vẻ bề ngoài,
rằng tôi tự tin lắm, bình tĩnh lắm,
rằng mặt nước thì phẳng lặng và tôi thì đang tự chủ
và rằng tôi cóc cần ai,
nhưng đừng tin tôi nhé!

Nhìn bề ngoài tôi có vẻ phẳng lặng, nhưng vẻ bề ngoài đó chỉ là cái mặt nạ,
nó biến thiên và che giấu không ngừng.

Còn đằng sau, chỉ toàn là những điều bất như ý 
đằng sau là bối rối, là sợ hãi, là cô đơn.
Nhưng tôi che giấu tất cả. 
Tôi không muốn ai biết như vậy.

Tôi hốt hoảng khi nghĩ đến ngày sự yếu đuối cuả tôi bị phát hiện
Vì vậy tôi mới điên cuồng tạo ra cái mặt nạ để núp đằng sau,
một cái bản mặt khù khờ khó hiểu
nó giúp tôi giả bộ
để che chở tôi khỏi cái nhìn thấu tỏ tận tường. 
Nhưng cũng chính cái nhìn ấy sẽ cứu vớt tôi, đem đến cho tôi tia hy vọng duy nhất
và tôi biết chắc như vậy.
Rằng nếu sau cái nhìn ấy là sự chấp nhận dành cho tôi, sau cái nhìn ấy là sự yêu thương.
Thì đó sẽ là thứ duy nhất có thể giải thoát tôi khỏi chính bản thân tôi,
thoát khỏi những bức tường tôi tự xây lên để nhốt mình,
khỏi những hàng rào tôi đau đớn dựng lên.
Đó là thứ duy nhất sẽ trấn an tôi
về những vấn đề tôi không thể tự trấn an cho chính mình,
rằng tôi thực sự có một giá trị nào đó.
Nhưng tôi không cho bạn biết đâu. Tôi không dám đâu, tôi sợ khi phải nói ra.
Tôi sợ bạn nhìn tôi xong rồi lại không chấp nhận tôi,
lại không thương yêu tôi.
Tôi sợ bạn sẽ đánh giá tôi kém cỏi,
sợ bạn sẽ chê cười tôi, và tiếng cười cuả bạn có thể giết tôi chết mất.
Tôi sợ rằng trong sâu xa, tôi chỉ là con số không
và bạn sẽ thấy như vậy mà ruồng bỏ tôi.

Thế nên tôi mới giở trò cuả tôi ra, cái trò tuyệt vọng là giả vờ
với vẻ mặt bề ngoài tự tin,
còn trong lòng thì run rẩy như đứa trẻ thơ.
Thế là cuộc diễu hành của những cái mặt nạ lấp lánh nhưng rỗng tuếch lại bắt đầu
và cuộc đời tôi chỉ còn là cái vẻ bề ngoài giả tạo.
Tôi thủng thẳng tán gẫu với bạn với giọng nói rù rì về chuyện tầm phào
Tôi kể cho bạn đủ thứ chuyện tào lào chẳng có gì quan trọng với tôi 
Và tôi lại chẳng đả động chút nào đến những điều vô cùng hệ trọng, những điều đang thổn thức trong lòng
Vậy nên khi tôi lải nhải như thông lệ,
thì bạn đừng để bị mắc lừa nhé.
Xin hãy lắng nghe cho kỹ, và cố mà nghe điều mà tôi chẳng nói ra,
nghe điều tôi ước ao nói ra được,
nghe điều vô cùng hệ trọng tôi cần nói ra
mà khốn thay tôi không nói ra được.

Tôi không thích che giấu.
Tôi không thích chơi trò giả vờ hời hợt bên ngoài.
Tôi muốn chấm dứt những trò đó.
Tôi muốn được sống chân thật, được sống tự nhiên, được là chính mình.
nhưng bạn phải giúp tôi mới được.
Bạn phải chìa tay ra
ngay cả khi đó là điều cuối cùng dường như tôi đang ao ước.
Chỉ có bạn mới có thể lấy đi khỏi mắt tôi
ánh mắt vô cảm nơi cái xác chết di động này. 
Chỉ có bạn mới có thể gọi tôi tỉnh dậy.
Cứ mỗi lần bạn nhân từ, dịu dàng, và khích lệ,
thì trái tim tôi bắt đầu mọc ra đôi cánh--
đôi cánh thật nhỏ
thật yếu ớt,
nhưng vẫn là đôi cánh!
Với quyền năng bạn có để cảm thông với tôi
bạn có thể hà hơi thổi sự sống vào tôi.

Tôi muốn bạn biết điều đó.
Tôi muốn bạn biết rằng sự hiện diện cuả bạn với tôi quan trọng biết nhường nào,
rằng bạn có thể là một đấng tạo hóa – thề có chúa, là một đáng tạo hóa - 
cho một hình hài là chính con người tôi ra sao,
nếu bạn lựa chọn làm như thế.
Chỉ mỗi bạn thôi mới có thể đánh sập bức tường mà đằng sau đấy, tôi đang đứng run rẩy
chỉ mỗi bạn thôi mới có thể gỡ bỏ cái mặt nạ,
chỉ riêng bạn thôi mới có thể giải thoát tôi khỏi cái thế giới tăm tối của sự sợ hãi,
giải thoát tôi khỏi ngục tù cô đơn,
nếu bạn định làm.
Thì xin hãy làm đi.
Đừng bỏ tôi mà đi.
Không dễ dàng gì cho bạn đâu.

Đã quá lâu sống trong niềm tin mình là vô dụng, tôi như bị nhốt trong những bức tường kiên cố.
Bạn càng tiến lại gần, tôi càng mù quáng cưỡng lại.
Nghe thì có vẻ phi lý quá, nhưng dù sách vở nói gì về con người
Thì tôi vẫn nhiều khi phi lý.
Tôi cưỡng lại ngay cả điều tôi đang thống thiết ước ao.
Nhưng người ta bảo tôi rằng tình yêu có sức mạnh hơn những bức tường kiên cố
và hy vọng cuả tôi nằm ở nơi đó.
Xin hãy gắng sức phá sập những bức tường ấy đi
Với đôi tay cứng rắn nhưng dịu dàng
vì con trẻ thì rất mỏng manh, nhạy cảm.

Tôi là ai? Bạn có thể hỏi như thế.
Tôi là người bạn thân quen lắm. 

Bởi tôi là tất cả những người đàn ông mà bạn vẫn gặp,
và tôi là tất cả tất cả những đàn bà mà bạn vẫn gặp. 

Charles L. Whitfield M.D., Healing the Child Within
Đỗ Hoàng Tùng trích dịch

(*) Bản dịch bài thơ trên đây được chỉnh sửa lại từ bản dịch của Ototot.