Friday, December 12, 2014

Tại sao một số người trẻ "tôn sùng" Iphone?



Gần đây, báo chí đưa tin doanh số bán Iphone ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới. Thực ra, đây không phải là một thông tin bất ngờ cho những ai thường hay để ý xem những người xung quanh hay dùng loại điện thoại gì. 

Điều đáng băn khoăn là trong số đông đảo tầng lớp thanh niên sử dụng Iphone, có một bộ phận không nhỏ những người có thu nhập từ trung bình đến thấp chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn bằng vài ba tháng lương của họ chỉ để mua một chiếc điện thoại đắt tiền, chỉ để nghe gọi, vào Facebook và chơi game? Bên cạnh những lý giải từ góc độ kinh tế, văn hóa hay nhân khẩu học… ta hãy thử nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính phân tâm học và tâm lý học đám đông. 

Dùng Iphone để... tự tin hơn

Những người trẻ nói trên thường có địa vị thấp trong xã hội, ít khi được người khác nhìn nhận, đánh giá cao và trân trọng, vì thế lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn họ là mặc cảm tự ti, thua kém những người xung quanh.

Khi cầm chiếc Iphone trên tay, đa số mọi người đều có cảm giác sung sướng và tự tin hơn hẳn. Bởi chiếc Iphone, với hình dáng tuyệt đẹp và chức năng sử dụng tiện lợi, vốn đã trở thành “biểu tượng về đẳng cấp” của thời đại công nghệ. Cái lý lẽ cho việc sử hữu chiếc điện thoại này rất đơn giản: vì nó có giá trị trong trong mắt người đời, nên khi nó là của tôi, tôi cũng trở nên có giá trị hơn, có đẳng cấp trong mắt người khác. Sự sở hữu trên phương diện vật lý ở đây để lại một hệ quả tích cực trên phương diện tâm lý. Chính vì trong vô thức khao khát cái cảm giác tự tin đó, nên người ta không thấy tiếc tiền khi mua Iphone. Phân tâm học gọi đây là hiện tượng “đồng hóa” (identification): chiếc Iphone trở thành phần mở rộng cho cái tôi thấp bé của họ. Để tránh cho cái tôi khỏi quá tải khi mang nặng mặc cảm tự ti trong tâm hồn, cơ chế phòng vệ của cái tôi (ego-defense mechanism) cần phải làm như vậy.

Dùng Iphone vì... mọi người xung quanh đều dùng

Bản chất con người vốn có xu hướng chạy theo đám đông, mà một số người gọi là “tâm lý bầy đàn.” Từ các nghiên cứu về tâm lý học đám đông cách đây hơn một thế kỷ của Gustave Le Bon đến các nghiên cứu về khoa học thần kinh những năm gần đây đã cho thấy từ suy nghĩ đến cảm xúc và hành động của mỗi người đều có thể dễ dàng lây lan sang những người khác, nhất là ở những đám đông vô thức. 

Đám đông vô thức là tập hợp của những người có ý thức mờ nhạt về bản sắc cá nhân. Họ không biết mình là ai trong cuộc đời này, đâu là ý nghĩa cuộc đời mình, đâu là điều mình tin tưởng và khát khao theo đuổi. Đa số tầng lớp thanh niên hiện nay trong xã hội đang sống trong tâm lý như vậy. Họ không suy nghĩ nhiều về bản thân và cuộc sống, họ chỉ đơn giản sống như bao người khác xung quanh, bắt chước theo đám đông mà không hề suy nghĩ về lựa chọn của mình. Và việc họ mua Iphone cũng nằm trong lối sống đó. Khi những người xung quanh và đặc biệt là những người có địa vị cao hơn họ, đều dùng chiếc điện thoại này, "áp lực đồng đẳng" đè nặng nên cái tôi yếu ớt của họ, buộc họ phải mua theo để cảm thấy "bằng anh bằng em."

Thời đại tham đắm vật chất

Trước và sau mỗi đợt ra Iphone phiên bản mới, người ta thấy dư luận xã hội và những người trẻ nói trên tôn sùng một chiếc điện thoại như Kinh Thánh và người sáng tạo ra nó như Chúa Trời. Cùng với việc tôn sùng hàng hiệu, sính ngoại... sự tôn sùng Iphone chính là một loạt những biểu hiện điển hình cho thấy chúng ta đang sống trong thời đại Thái Âm, tức thời đại con người sa đà vào những lạc thú phàm tục của thế giới vật chất.

Đỗ Hoàng Tùng

Phụ nữ với loài mèo: Tương đồng và phóng chiếu


"Người đàn bà với con mèo" (1908) - Kees van Dongen
1.

Một điều mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy là, có nhiều điểm tương đồng giữa phụ nữ và mèo. Mà con người ta thường thích những gì giống mình. Nên phụ nữ thích nuôi mèo (đôi khi còn tự gọi mình là mèo!) là chuyện không có gì khó hiểu cả!

2.

Ở mèo - từ ánh mắt tinh quái, bộ lông mượt mà đến dáng đi khoan thai, chậm rãi.... - tất cả tạo lên một vẻ đẹp đầy tự tin, cuốn hút. Đó chính là những nét đẹp mà phụ nữ nào cũng đều khát khao có được. Họ ngưỡng mộ loài vật này, bởi trên bề mặt ý thức, họ còn chưa nhận diện ra những phẩm chất ấy nơi mình. 

3.

“Lũ mèo lười biếng, chúng chỉ thích ăn ngon và kiếm chỗ ấm trong phòng để nằm ì ra đấy,” người ta hay nói vậy. Trong những ngày đông giá lạnh, phụ nữ cũng muốn được nũng nịu, làm biếng như những chú mèo: nằm cuộn mình trong chăn ấm và có người mang vào tận giường bữa điểm tâm.

Khi không ai động đến thì mèo ta tỏ ra rất hiền lành, nhưng khi ta làm điều gì trái ý nó, thì ngay lập tức nó sẽ dùng những móng vuốt sắc nhọn để tung ra những đòn “sát thương”. Phụ nữ cũng thường có điệu bộ và lối phản ứng hệt như vậy. 

4.

Tiếng kêu gọi bạn tình não nề của những nàng mèo cái khi vào thời kỳ động dục có lẽ đã để lại ấn tượng không ít người trong những đêm mất ngủ. Không giống như loài mèo, phụ nữ có cách khêu gợi bạn tình theo một thể cách biểu lộ khác: thông qua cách trang điểm và ăn mặc. 

Bản năng tính dục mạnh mẽ nơi loài vật này là điều ai cũng thấy. Theo các nhà nghiên cứu, nếu được tự do, một mèo cái có thể có sinh từ 3 đến 7 mèo con trong mỗi 4 tháng. Giống như loài mèo, bản năng tính dục ở phụ nữ cũng vô cùng mạnh mẽ, nhưng vì những định kiến ăn sâu bám rễ vào trong vô thức từ nghìn đời, họ luôn tự/bị bắt buộc phải kim nén, tiết chế bản thân. Chỉ cho đến thời đại hiện nay, phụ nữ mới được tự do bộc lộ mình hơn. 

5.

Trên bề mặt ý thức, để hòa nhập trong đời sống xã hội, người phụ nữ phải đeo cái mặt nạ (persona) của một người trưởng thành. Nhưng thực ra, trong tâm hồn họ vẫn luôn có một cô bé ngây thơ, mỏng manh, hay hờn hay dỗi (inner child). Vì cái tiểu nhân cách này (subpersonality) đôi khi không được cái tôi bận rộn với cuộc đời ngó ngàng tới, sẽ bị chìm sâu vào trong bóng tối vô thức. 

Khi một tiểu nhân cách bị lãng quên như thế, nó không an phận chịu đựng, mà thường tìm cách dành lại sự quan tâm của ý thức bằng cách phóng chiếu (project) lên một đối tượng phù hợp ở ngoại giới. Loài mèo chính là đối tượng mà cái phần cảm tính, dễ tổn thương nhất trong người phụ nữ phóng chiếu vào. Tức là, sự dễ thương mà họ nhìn thấy nơi mèo yêu quý, phản chiếu chính sự dễ thương nơi mình. Khi ôm ấp, vỗ về mèo, thì thực ra, một cách gián tiếp họ đang quan tâm, an ủi cái tiểu nhân cách mỏng manh trong sâu thẳm tâm hồn mình. Để có được cân bằng và lành mạnh trong hệ tâm lý, sự yêu quý dành cho loài mèo nên được "thu về", để dành cho "chú mèo bên trong" tâm hồn mình.

6.

Với dáng vẻ trầm tĩnh, từng bước chân đều thể hiện sự tỉnh thức trọn vẹn trước thực tại hiện tiền, loài mèo biểu trưng cho một sinh vật có trực giác tâm linh mạnh mẽ, hay thậm chí hơn thế. Theo kinh đển đạo Phật, thì cùng với rắn, mèo là loài duy nhất dửng dưng trước cái chết của đức Phật. Với thái độ không động tâm ấy, có quan điểm cho rằng loài mèo đã đạt tới tuệ giác siêu việt. Ta cũng có thể tìm thấy những phẩm chất kể trên ở phụ nữ. 

Có một số hiếm hoi những người phụ nữ đã đi qua đau khổ và biết dùng chính nỗi khổ đau ấy để làm động lực để đi vào trong sâu thăm tâm hồn mình. Họ đã biến hạt mầm khổ đau thành trái ngọt minh triết. Khi tiếp xúc với những người như thế, ta cảm nhận được từ ánh mắt tới phong thái của họ toát ra chiều sâu của sự từng trải, sự bao dung và sự hiểu biết.

Đỗ Hoàng Tùng

Tuesday, October 14, 2014

8 nỗi niềm sâu kín của đàn ông

  1. Cuộc sống của đàn ông cũng bị chi phối, kìm kẹp bởi những kỳ vọng, mong đợi làm tròn bổn phận đầy hạn hẹp chẳng kém gì cuộc sống của đàn bà.
  2. Về bản chất, cuộc sống của đàn ông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi.
  3. Sức mạnh nữ tính ẩn tàng trong tâm hồn đàn ông vô cùng thâm hậu.
  4. Đàn ông thường âm thầm giữ kín, kìm nén nỗi lòng chân thực của họ.
  5. Bởi vì đàn ông phải rời xa, độc lập khỏi người mẹ, và vượt qua mặc cảm người mẹ, vậy nên tất yếu sẽ phải có tổn thương.
  6. Cuộc sống của đàn ông đầy màu sắc bạo lực là bởi kẻ khác đã xâm hại, gây tổn thương cho tâm hồn họ.
  7. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, mỗi người nam đều khát khao, mong mỏi có môt người cha, cũng như có những người cha lớn nâng đỡ tinh thần.
  8. Nếu đàn ông muốn hàn gắn tâm hồn họ, thì họ phải khơi dậy từ bên trong mình những gì họ đã không nhận được từ cuộc sống bên ngoài.
James Hollis, Under Saturn's Shadow: The Wounding and Healing of Men
Đõ Hoàng Tùng dịch

Friday, October 10, 2014

4 mức độ phụ thuộc


Đa số các mối quan hệ tình cảm, luyến ái đều rơi vào một trong bốn, hoặc đi qua cả bốn mức độ phụ thuộc sau đây:

1. Lụy thuộc (co-dependence): thiếu thốn cực độ và phụ thuộc hoàn toàn vào "nguồn cung cấp" của "đối tác", cảm thấy không thể xa rời nhau nổi. Những người bị thiếu hụt hay tổn thương tình cảm thời thơ ấu hay bị rơi vào tình trạng này.

Biểu hiện: "Anh không thể sống thiếu em.", "Anh là người đàn ông tuyệt vời nhất và duy nhất của cuộc đời em."

2. Phụ thuộc (dependence): người này thiếu thốn và phụ thuộc vào sự cung cấp của người kia ở một khía cạnh nào đó (tình cảm, tài chính, sự an toàn...) và ngược lại. Họ ngưỡng mộ sự khác biệt của nhau.

Biểu hiện: "Em yêu anh!" "Mình rất ngưỡng mộ tính cách quyết đoán của anh ấy."

3. Độc lập (in-dependence): mỗi người "tìm lại cái tôi đã mắt" của mình sau một giai đoạn dài lụy thuộc khiến cả hai cảm thấy ngột ngạt, tù túng. Đây là giai đoạn dễ xảy ra những mâu thuẫn, bởi họ lại chuyển sang khó chịu vì sự khác biệt của nhau. Nếu không hóa giải được, những mâu thuẫn lên tới kịch điểm có thể dẫn tới tan vỡ, chia tay.

Biểu hiện: "Chúng ta quá khác biệt!" "Tôi không thể chịu nổi tính độc đoán, gia trưởng của anh ta."

4, Tương thuộc (inter-dependence): hai người tuy phụ thuộc vào nhau phần nào ở một vài khía cạnh nào đó, nhưng vẫn độc lập, như Kalil Gibran đã diễn tả trong tập thơ Ngôn sứ:

"Và hãy đứng cùng nhau nhưng đừng quá sát vào nhau:
Vì các cột đền thờ đều đứng một mình,
Và cây sồi với cây hạnh đào không lớn lên trong chiếc bóng của nhau."
(Nguyễn Ước dịch)

Đây là giai đoạn lý tưởng, đòi hỏi nhân cách cả hai đã thực sự trưởng thành.

Biểu hiện: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui..." (Tôn Nữ Hỷ Khương)

Đỗ Hoàng Tùng

Thursday, October 9, 2014

Buông thả & nghiêm khắc


Chữ “discipline” (kỷ luật) trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ “disciplina” trong tiếng La-tinh, nghĩa là “dạy dỗ.” Qua việc đưa trẻ con vào khuôn khổ kỷ luật, chúng ta chỉ cho chúng cách sống sao cho hiệu quả và đầm ấm. Như M. Scott Peck đã nói, [sống có] kỷ luật, lề lối chính là cách để làm vơi bớt đi đau khổ trong cuộc đời này. Chúng ta biết rằng lối sống: luôn nói sự thật, tiết chế hưởng thụ (thiểu dục), thành thật với bản thân, và chịu trách nhiệm với bản thân có thể đem đến niềm vui sống hơn. Trẻ con cần được thấy cha mẹ nghiêm khắc với bản thân họ ra sao, hơn là cần những lời thuyết giảng xuông của họ. Chúng học theo những gì cha mẹ đã thực sự làm, chứ không phải những điều họ nói là họ làm. Khi cha mẹ không thể làm tấm gương cho trẻ, thì chúng sẽ trở nên buông thả, vô kỷ luật. Khi cha mẹ quá cứng rắn, chúng cũng sẽ trở nên quá khắc nghiệt với bản thân.

Những đứa trẻ buông thả thường chơi bời lêu lỏng, không chịu nghe lời, không chịu chờ đợi, hay nổi loạn, cứng đầu, bướng bỉnh, thường hành động bộc phát thiếu suy nghĩ. Đứa trẻ khắc kỷ thì lại quá cứng nhắc, nguyên tắc, quá kiềm chế, luôn vâng lời, luôn làm hài lòng người khác, và thường cảm thấy mặc cảm, tội lỗi. Tuy nhiên, hầu hết những người có tuổi thơ bị tổn thương đều “dao động” giữa hai thái cực: lúc thì quá buông thả, lúc thì quá nghiêm khắc.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Thursday, September 18, 2014

Chứng trầm cảm, chán chường, lãnh đạm


Với chứng trầm cảm dạng nhẹ nhưng dai dẳng, biểu hiện của nó là cảm giác trống rỗng vô nghĩa, đứa trẻ bị tổn thương bên trong tâm hồn cũng ảnh hưởng không tốt tới đời sống trưởng thành sau này. Trầm cảm là kết quả của việc phải chấp nhận cái tôi giả tạo, rời bỏ cái tôi chân thực của đứa trẻ [trong thời thơ ấu]. Chính sự bỏ rơi cái tôi chân thực này dẫn tới một cảm giác trống rỗng bên trong [tâm hồn]. Tôi thường gọi nó là hiện tượng “có lỗ hổng trong tâm hồn”. Khi một người đánh mất cái tôi chân thực, anh ta đánh mất sợi dây liên lạc với những cảm xúc, nhu cầu, khát khao chân thực của mình. Thay vào đó, những gì anh ta trải nghiệm là những cảm xúc mà cái tôi giả tạo đòi hỏi. Chẳng hạn, “dễ thương” là một thành tố phổ biến của cái tôi giả tạo. Một người phụ nữ dễ thương không bao giờ thể hiện ra cơn giận dữ hay nỗi ấm ức của mình. Sống với cái tôi giả tạo là lối sống “diễn kịch”. Cái tôi chân thực của họ chưa bao giờ được hiện diện. Một người trong quá trình phục hồi miêu tả nó như thế này: “Nó giống như tôi đang bên lề, nhìn cuộc đời trôi đi vậy.’ 

"Cảm thấy trống rỗng" là một dạng trầm cảm kinh niên, bởi người ta vẫn luôn than khóc cho cái tôi chân thực của mình. Tất cả những người có quá khứ bị tổn thương, thiếu hụt tình cảm đều trải qua những cơn trầm cảm dai dẳng nhẹ nhàng ở một mức độ nào đó. “Trống rỗng” ở đây cũng có nghĩa là cảm thấy vô cảm. Trong vai trò nhà tâm lý, tôi thường nghe thân chủ dạng này than vãn rằng dường như cuộc đời họ đầy buồn tẻ và vô nghĩa. Họ thấy có một cái gì đó thiếu vắng trong cuộc đời mình, và không hiểu tại sao người khác lại quá hào hứng, sôi nổi với mọi chuyện đến vậy.

Marion Woodman, cây đại thụ trong làng phân tích tâm lý theo trường phái Jung, từng kể câu chuyện về một người phụ nữ đến để được nhìn thấy Giáo hoàng khi ngài thăm Toronto. Cô ta mang theo một lô một lốc những máy móc thiết bị chụp hình để cô ta có thể chụp được một bức ảnh Giáo hoàng. Cô ta quá mải mê với những thiêt bị của mình đến mức mà chỉ có thể chụp được một bức khi Ngài đi lướt qua. Cô ta đã bỏ lỡ cơ hội tận mắt mình thấy Giáo hoàng! Khi cô ta chụp bức ảnh, người mà cô muốn được nhìn thấy có mặt ở đó, nhưng cô ta thì không. Cô ta không hiện diện trong giây phút đó, để có thể thực sự trải nghiệm nó. Khi “đứa trẻ trong tâm hồn ta” bị tổn thương, ta cảm thấy trống rỗng và chán chường. Cảm giác cuộc sống có cái gì đó không chân thực. Ta hiện diện ở đó, nhưng ta không thực sự có mặt trong đó. Sự trống rỗng này dẫn tới cảm giác đơn độc. Bởi vì ta chưa bao giờ biết mình thực sự là ai, ta chưa bao giờ được thực sự hiện diện. Và ngay cả nếu người ta ngưỡng mộ và vây quanh, ta vẫn cảm thấy đơn độc. Tôi cảm thấy như vậy trong gần hết cuộc đời mình. Tôi luôn nỗ lực để trở thành lãnh đạo trong bấy cứ nhóm hội nào mà mình tham dự. Người ta luôn bao quanh, ngưỡng mộ và tán dương tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự tương giao với bất cứ ai trong họ. Tôi còn nhớ một buổi tối khi tôi đang giảng dạy ở đại học St. Thomas. Chủ đề của tôi là “cái hiểu của Jaccques Maritain về chủ thuyết cái ác của Thomistic.” Tôi đã nói rất hay và sắc sảo. Nhưng khi tôi bước ra khỏi phòng, đám đông cử tọa đứng dậy vỗ tay hoan nô không ngừng, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác của mình lúc ấy: tôi muốn chấm dứt cảm giác trống rỗng và đơn độc của mình. Tôi muốn tự tử. Kinh nghiệm nảy cũng giải thích được chứng ích kỷ của những người có tuổi thơ bị tổn thương, Họ là những người ích kỷ. Cảm giác trống rỗng của họ giống như một chứng đau răng kinh niên. Khi một người phải chịu đựng một nỗi đau dai dẳng, tất cả những gì người đó có thể nghĩ được chỉ còn là bản thân mình. Trong vai trò nhà trị liệu, người ta thường phát điên khi phải đương đầu với cái tính ích kỷ của những thân chủ như thế. Tôi đã lưu ý với đồng nghiệp rằng tôi đi ra ngoài để hút thuốc, vậy mà vẫn có người đến nói, Tôi có thể xin anh một phút được không?”

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Friday, September 12, 2014

Hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc

Hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc và vũ trụ sẽ mở ra cho bạn
những cánh cửa ở chỗ mà trước đây chỉ toàn là tường chắn. 

"Làm sao để ta tìm thấy năng lực thiêng liêng trong mình? Chữ hăng say (enthusiasm) có nghĩa là "ngập tràn trong sự hiện diện của thánh thần," vậy thì bạn hăng say với cái gì? Hãy đi theo tiếng gọi của nó. Đó là lời khuyên của tôi cho những người trẻ tuổi hỏi tôi, 'Cháu sẽ phải làm gì đây?' Tôi từng dạy ở một trường dự bị cho nam sinh. Đó là thời điểm khó khăn đối với những chàng thiếu niên - hay đã từng như vậy. Họ nói: 'Cháu không biết mọi chuyện rồi sẽ ra sao đây?' - khi họ đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Bạn biết đấy, họ sẽ đi về đâu? Và người ta thấy họ hào hứng. Người này muốn học nghệ thuật, người kia học thơ ca, người khác lại muốn học nhân học. Nhưng người cha lại muốn con học luật, ra trường mới có công ăn việc làm, mới kiếm được tiền. Được thôi, hãy quyết định như thế. Và bạn biết câu trả lời của tôi rồi đấy - bạn hứng thú với cái gì. Tôi thì tôi chỉ có vài lời ngắn gọn thế này thôi: hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc. Chính phúc lạc là sứ điệp mà Thượng đế đã gửi tới cho bạn. Đó mới là nơi cuộc đời bạn nở hoa." 


"How do you find the divine power in yourself? The word enthusiasm means 'filled with a god,' so what makes you enthusiastic? Follow it. That's been my advice to young people who ask me, 'What shall I do?' I taught once in a boys' prep school. That's the moment for young boys––or it used to be; I don't know what's going on now––when they had to decide their life courses. You know, where are they going? And they're caught with excitement. This one wants to study art, this one poetry, this one anthropology. But dad says study law; that's where the money is. OK, that's the decision. And you know what my answer would be––where your enthusiasm is. So I have a little word: follow your bliss. The bliss is the message of God to yourself. That's where your life is."

Joseph Campbell, interviewed by Jeffrey Mishlove ("Thinking Allowed: Understanding Mythology")

Thursday, September 11, 2014

Chứng nghiện ngập và các hành vi vô độ


Đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn là nguyên nhân chính yếu gây ra chứng nghiện ngập và lối sống vô độ. Tôi nát rượu từ thời niên thiếu. Cha tôi, cũng là bợm rượu. Khi tôi còn nhỏ, ông chẳng hề hiện diện cũng như đoái hoài tới tôi. Tôi cảm thấy mình ít giá trị hơn thời gian của ông ý. Bời vì ông ý chưa bao giờ xuất hiện để làm gương về cách cư xử cho tôi, tôi chưa bao giờ gắn bó với ông ý, chưa bao giờ được trải nghiệm tình yêu thương của người cha. Do đó, tôi chưa bao giờ thực sự yêu thương mình như là đàn ông cả.

Thời niên thiếu, tôi chơi với mấy cậu choai choai cũng mồ côi cha [như tôi]. Chúng tôi uống rượu và chơi gái để chứng tỏ rằng bản lĩnh đàn ông. Từ năm 15 đến 30 tuổi, tôi nghiện rượu và ma túy. Ngày 11 tháng 12 năm 1965, tôi ngừng uống rượu. Tôi cai rượu, nhưng lối sống vô độ của tôi vẫn tiếp tục. Tôi hút thuốc lá, làm việc và ăn uống một cách vô độ. 

Tôi không nghi ngờ gì việc tôi nghiện rượu một phần là do gen di truyền. Có vẻ như có nhiều bằng chứng cho rằng chứng nghiện rượu bắt nguồn từ gen. Nhưng yếu tố di truyền không đủ để giải thích chứng nghiện rượu. Nếu đúng thế thì tất cả con cái của những kẻ nát rượu đều trở thành bợm rượu cả. Rõ ràng không phải như vậy. Cả anh và chị tôi đều không nghiện rượu. Tôi đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc với những người nghiện rượu và ma túy, cùng với 15 năm làm việc với thanh thiếu niên lạm dụng ma túy. Chưa bao giờ tôi gặp một người nào chỉ nghiện mỗi rượu thôi cả, dù trên thực tế, có một số chất gây nghiện rất nhanh - tôi đã gặp những thanh thiếu niên trở nên nghiện nặng chỉ trong vòng hai tháng. Yếu tố phổ biến mà tôi luôn luôn tìm thấy là những tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương, thiếu hụt tình cảm. Đó là cội rễ của tất cả các hành vi nghiện ngập/vô độ. Bằng chừng là khi tôi cai được rượu thì tôi lại chuyển sang nghiện cái khác, những thứ giúp tôi thay đổi tâm trạng. Tôi làm việc, ăn uống và hút thuốc vô độ, bởi những nhu cầu không thể thỏa mãn của đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn tôi. 

Cũng giống như các đứa trẻ trong gia đình có người nghiện ngập, tôi đã bị bỏ rơi, thiếu thốn về mặt tình cảm. Đối với một đứa trẻ, bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết. Để có thể đáp ứng hai nhu cầu sinh tồn căn bản nhất (cha mẹ tôi hoàn toàn bình thường và tôi được họ yêu thương, trân trọng), tôi trở thành người chồng về phương diện cảm xúc đối với mẹ tôi và người cha đối với em trai tôi. Giúp đỡ mẹ và người khác giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tôi được dạy rằng cha tôi rất yêu thương tôi nhưng ông bị ốm đau bệnh tật nên không thể thể hiện ra tình thương đó; và mẹ tôi là một vị thánh nữ. Tất cả những điều này đã che giấu cảm giác mình vô giá trị mà tôi mang trong mình (một dạng mặc cảm tự ti). Cốt lõi tâm hồn tôi là tập hợp của những nhận thức hạn hẹp, những cảm xúc dồn nén, và những niềm tin sai lầm. Chúng trở thành cái “lăng kính” (filter) qua đó tôi diễn giải các kinh nghiệm mới mẻ trong đời. Sự thích ứng những năm đầu đời đó giúp tôi sống sót trong thời thơ ấu, nhưng nó lại là cái “lăng kính” tệ hại ở giai đoạn trưởng thành. Kết cục là đến tuổi 30, tôi phải nhập viện Austin State vào cuối quãng thời gian 17 năm nát rượu.

Quan niệm cho rằng đứa trẻ bị tổn thương bên trong tâm hồn là cốt lõi của các hành vi nghiện ngập/vô độ giúp chúng ta nhận diện nghiện ngập trong một bối cảnh rộng mở hơn nhiều. Nghiện ngập là một mối quan hệ bệnh lý với bất kỳ loại hình thay đổi tâm trạng nào dẫn tới những hệ quả có hại cho sức khỏe. Những chứng nghiện ngập liên quan đến đường tiêu hóa là những thứ gây ra thay đổi tâm trạng mạnh mẽ nhất. Rượu chè, ma túy và thức ăn là những hóa chất vốn có khả năng thay đổi tâm trạng. Nhưng còn có rất nhiều cách khác để thay đổi cảm xúc. Tôi muốn nói đến các dạng nghiện ngập liên quan đến hoạt động, tư duy, cảm xúc và đồ vật.

Những hoạt động gây nghiện bao gồm: làm việc, mua sắm, cờ bạc, tình dục, nghi lễ tôn giáo. Thực ra, bất cứ hoạt động nào cũng có thể được người ta dùng để thay đổi cảm xúc. Hoạt động thay đổi cảm xúc qua sự phân tán [mất tập trung]. “Liên tục suy nghĩ” là một cách rất hiệu quả để tránh né cảm xúc. Tôi đã sống trong cái đầu nhiều năm. Tôi là một giáo sư đại học. Suy nghĩ có thể là một cách để tảng lờ cảm xúc. Tất cả các chứng nghiện ngập đều có yếu tố suy nghĩ, mà người ta vẫn gọi là “ám ảnh”. 

Chính cảm xúc cũng có thể gây nghiện. Trong rất nhiều năm, tôi không ngừng nổi khùng (rageaholic). Giận dữ, thứ hàng rào bảo vệ duy nhất mà tôi biết, che giấu mặc cảm tự ti và tổn thương của tôi. Khi tôi giận dữ, tôi cảm thấy đầy mạnh mẽ và uy quyền, chứ không yếu đuối và bất lực.

Có lẽ ai cũng biết một người sống trong sợ hãi. Người sống trong sợ hãi luôn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ. Họ lo lắng về những điều nhỏ nhặt và khiến cho người khác bực mình phát điên. Một số người thường xuyên chìm đắm trong cảm giác buồn rầu. Dường như họ không còn mang trong mình nỗi niềm sầu khổ nữa, mà họ đã chính là nó. Bởi đối với họ, sầu khổ chính sự trạng thái hiện hữu của họ.

Những người mà tôi kinh hãi nhất là những người luôn tỏ ra vui vẻ. Họ là những đứa con ngoan trò giỏi luôn gắng gượng nở nụ cười. Cứ như thể nụ cười đóng băng trên khuôn mặt họ. Họ không bao giờ thấy cái gì tệ hại cả. Họ sẽ mỉm cười ngay cả khi thông báo với bạn rằng mẹ họ đã qua đời. Kỳ lạ vậy đó!

Người ta cũng có thể nghiện cả tài sản. Tiền là thứ tài sản gây nghiện phổ biến nhất. Tuy nhiên, bất cứ cái gì cũng có thể trở thành mối ám ảnh và như vậy, là nguồn gốc của sự thay đổi tâm trạng. 

Cho dù yếu tố di truyền có như thế nào, thì cốt lõi của hầu hết các chứng nghiện ngập, là đứa trẻ bị tổn thương thiếu hụt tình cảm bên trong tâm hồn. Nó luôn khát khao, thèm muốn, mà lại không thể thỏa mãn được. Người ta không cần phải mất nhiều thời gian để nhận ra đặc điểm này ở nó.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Saturday, August 30, 2014

Chứng tư duy lệnh lạc


Jean Piaget, nhà tâm lý học phát triển vĩ đại gọi trẻ em là “những người ngoài hành tinh về mặt nhận thức.” Chúng không tư duy giống như người trưởng thành. Trẻ con là những kẻ cực đoan. Tính chất cực đoan trong lối tư duy của trẻ con được biểu hiện ra qua lối tư duy lưỡng cực: được hoặc mất, có hoặc không, trắng hoặc đen. Nếu bạn không yêu tôi, thì bạn ghét tôi. Không có gì trung dung, ở giữa. Nếu cha bỏ rơi tôi, thì tất cả đàn ông cũng sẽ bỏ rơi tôi.

Lối tư duy của trẻ con mang tính phi luận lý. Điều này được thể hiện ra trong cái được gọi là “lý luận cảm tính.” Tôi cảm thấy như này, do đó nó phải như vậy. Nếu tôi cảm thấy tội lỗi, thì tôi hẳn là con người tệ hại, vô giá trị.

Trẻ em cần có những hình mẫu lành mạnh để biết cách tách biệt suy nghĩ ra khỏi cảm xúc - để “nghĩ” về tình cảm và để “cảm” về suy nghĩ. 

Trẻ em tư duy theo hướng vị kỷ (egocentrically). Điều này được thể hiện ra trong lối tư duy liên hệ mọi sự đến cá nhân chúng. Nếu người cha không có thời gian cho đứa con, điều đó nghĩa là đứa con không được tốt, không được ngoan. Trẻ em diễn giải phần lớn những sự lạm dụng, bạo hành theo cách này. Tính vị kỷ là tình trạng tự nhiên của thời thơ ấu, chứ không có nghĩa là tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa xét trên phương diện đạo đức. Trẻ em không thực sự có khả năng xem xét vấn đề dưới quan điểm của người khác.

Khi những nhu cầu tình cảm của trẻ em trong giai đoạn đầu đời không được đáp ứng đầy đủ, thì khi lớn lên, lối tư duy trẻ con sẽ gây hại cho chúng. Tôi thường thấy những người [được gọi là] trưởng thành tư duy theo lối như vậy. “Nước Mỹ phải hay trái” là một ví dụ điển hình cho lối tư duy cực đoan này.

Tôi biết vài người gặp rắc rối nghiêm trọng về tài chính bởi vì lối tư duy theo cảm tính. Họ nghĩ rằng việc thích/ muốn cái gì là đủ lý do để mua nó. Khi trẻ em không được học cách tách biệt giữa tư duy và cảm xúc, thì khi trưởng thành, chúng thường dùng suy nghĩ như là một cách để né tránh những cảm xúc đau khổ. Chúng sẽ tách biệt đầu óc với trái tim, lý trí với tình cảm, như vậy đấy. Hai dạng thường gặp của chứng tư duy lệch lạc là thói “hay khái quát” (universalizing, đại ngôn) và thói “hay để ý đến tiểu tiết” (detailing, vụn vặt).

Tư duy “khái quát” tự nó không phải là một dạng tư duy lệnh lạc. Tất cả các ngành khoa học trừu tượng đều đòi hỏi chúng ta phải biết cách khái quát và tư duy trừu tượng. Tư duy ”khái quát” chỉ trở nên méo mó, lệch lạc khi chúng ta sử dụng nó để đánh lạc hướng sự chú ý của mình, để không phải đối diện với những nỗi buồn phiền vốn có trong mình. Có nhiều người có tài năng học thuật nhưng lại không thể xoay xở nổi trong đời sống hằng ngày.

Tư duy tiêu cực (awfulizing, chuyện bé xé ra to) là một dạng tư duy khái quát đích thực. Chúng ta tư duy tiêu cực khi chúng ta đưa ra những giải thiết không thực tế về tương lai. “Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống an sinh xã hội không còn tiền khi tôi về hưu?” là một suy nghĩ tiêu cực. Chính việc nghĩ về điều đó sẽ kích động nỗi sợ hãi. Bởi suy nghĩ này không phải là thực tế mà thuần túy chỉ là giả thuyết. Những người có tuổi thơ bị tổn thương thường xuyên nghĩ theo lối này. 

Cũng như với lối tư duy khái quát, lối tư duy chi tiết có thể là một năng lực trí tuệ quan trọng. Chẳng có gì sai khi người ta tư duy chi tiết và thấu đáo cả. Nhưng khi đi vào tiểu tiết được dùng để đánh lạc hướng người ta khỏi những cảm xúc đau khổ, thì nó bóp méo thực tế đời sống. Tính cầu toàn là một ví dụ điển hình của lối tư duy này - chúng ta trở nên ám ảnh bởi các thứ tủn mủn, vụn vặt như là một cách để lảng tránh những cảm giác bất toại nguyện trong mình. Bạn sẽ thấy những ví dụ minh họa cho lối tư duy "lấy mình làm trung tâm" ở khắp mọi nơi một khi bạn để ý đến chúng. Gần đây tôi nghe lỏm được cuộc đối thoại của một cặp nam nữ trên máy bay. Người phụ nữ đang đưa mắt nhìn vào tạp chí du lịch. Cô ta vô tư bình phẩm rằng cô vẫn luôn muốn đi Úc. Nghe thấy vậy, người đàn ông nổi cạu lên đáp, “Cô còn mong đợi cái quái gì ở tôi nữa? Tôi đang phải vắt kiệt sức vì công việc đây!” Đứa trẻ tổn thương bên trong anh ta tin rằng người kia đang phê phán anh ta là kẻ không chu cấp đủ tài chính chỉ bởi vì cô ta thích đi Úc. 

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, August 26, 2014

Con người ta cần có gian nan...


Thái độ mới mẻ [mà người ta] thụ đắc được trong quá trình phân tâm, không sớm thì muộn, cũng sẽ có xu hướng trở nên bất hợp lý theo cách này hay cách khác, và nhất định là phải như thế, bởi vì dòng chảy của cuộc đời luôn luôn đòi hỏi sự thích ứng mới mẻ. Sự thích ứng không bao giờ đạt được chỉ trong một lần duy nhất…

Cuối cùng thì, có lẽ rất ít khả năng có một phương pháp trị liệu nào lại chối bỏ mọi khó khăn.

Con người ta cần có những gian nan, thử thách; chúng thiết yếu cho sự lành mạnh của họ.

Điều đáng quan ngại ở đây chỉ là [người ta] có quá nhiều khó khăn. 

The new attitude gained in the course of analysis tends sooner or later to become inadequate in one way or another, and necessarily so, because the flow of life again and again demands fresh adaptation. Adaptation is never achieved once and for all.…

In the last resort it is highly improbable that there could ever be a therapy which got rid of all difficulties.

Man needs difficulties; they are necessary for health.

What concerns us here is only an excessive amount of them.

C.G. Jung, Collected Works 9 - The Transcendent Function

Monday, August 25, 2014

Chứng thích kiểm soát


Khi người chăm sóc [cho trẻ những năm đầu đời] không đáng tin cậy, trẻ sẽ có cảm giác bị bội tín sâu sắc. Thế giới [bên ngoài] dường như là một nơi chốn đầy nguy hiểm, thù địch, và bất trắc. Thế nên, trẻ phải luôn đề phòng cảnh giác và kiểm soát. Nó tin rằng, “Nếu ta kiểm soát mọi thứ, thì không ai có thể làm ta bất ngờ và hãm hại ta.”

[Và thế là] thói quen thích kiểm soát xuất hiện: kiểm soát trở thành nghiện ngập. Một thân chủ của tôi có quá nhiều nỗi sợ mất kiểm soát đến mức mà anh ta làm việc tới 100 giờ một tuần. Anh ta không thể giao phó cho ai việc gì bởi vì anh ta không tin tưởng người khác, Anh ta tìm đến tôi khi mà bệnh viêm loét đại tràng trầm trọng đến mức phải nhập viện.

Một thân chủ khác của tôi đã bị hoảng loạn, quẫn trí khi chồng cô ta đệ đơn ly hôn ra tòa. Anh ta than vãn rằng cho dù anh ta có cố gắng làm gì cho cô ta, thì nó cũng không bao giờ được coi là ổn. Cô ta luôn “sửa lại” những gì anh ta đã làm. Nói cách khác, cô ta sẽ không cảm thấy thoải mái trừ khi cô ta kiểm soát được tất cả mọi thứ.

Chứng thích kiểm soát gây ra căng thẳng trong các mối quan hệ. Bạn sẽ chẳng thể nào gần gũi, gắn bó với ai đó khi người ta không tin tưởng bạn. Một mối quan hệ gần gũi, gắn bó đòi hòi cả hai phải chấp nhận con người của nhau.

Rối loạn lòng tin cũng sinh ra những thái độ cực đoan. Người ta có thể từ bỏ mọi sự kiểm soát và tin tưởng người khác một cách đầy hồn nhiên, ngây thơ, bám chặt lấy người kia và dành quá nhiều tình cảm cho họ. Hoặc người ta sẽ thu mình trong ốc đảo đơn độc, dựng lên những tường cao hào sâu, để không ai có thể bước vào.

Như chuyên gia về nghiện ngập Patrick Carnes đã chỉ ra, những người chưa biết cách tin cậy thường không phân biệt được đâu là ranh giới [tình cảm quá] mãnh liệt với thân thiết, quá quan tâm với chăm sóc, quá kiểm soát với an toàn.

Nhiệm vụ số một của trẻ trong giai đoạn đầu đời là xây dựng được lòng tin cậy [vào con người và cuộc sống]. Chúng ta cần phải biết rằng người khác (cha mẹ, thế giới bên ngoài) là an toàn và đáng tin cậy. Lòng tin cậy này là một cảm xúc tổng hòa sâu sắc. Nếu chúng ta có thể tin tưởng cuộc sống, thì chúng ta mới có thể biết cách tin vào chính mình. Tự tin có nghĩa là bạn tin tưởng vào năng lực, nhận thức, diễn giải, cảm xúc của mình.

Trẻ em học cách tin tưởng từ sự đáng tin cậy của người chăm sóc, đưa nôi mình. Nếu cha mẹ là những người ôn tồn, điềm tĩnh, không xốc nổi, đồng bóng, nếu cha mẹ tin tưởng vào chính mình, thì trẻ sẽ tin tưởng họ và học cách tin tưởng mình.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Friday, August 22, 2014

Vòng xoáy luân hồi

Khi tổn thương thời thơ ấu "tái phát" trong mối quan hệ với người khác


Để hiểu được đứa trẻ trong ta (inner child) đã biểu lộ ra những khát khao thời thơ ấu chưa được đáp ứng như thế nào, chúng ta cần phải biết rằng động lực căn bản trong đời sống của con người là cảm xúc. Cảm xúc chính là nguồn nhiên liệu giúp ta phòng vệ và đáp ứng những nhu cầu căn bản. (Tôi thích viết chữ emotion - cảm xúc thành e-motion, tức là viết tắt của energy - năng lượng, và in motion - đang chuyển động.) Nguồn năng lượng này là nền tảng, gốc rễ. Giận dữ thúc đẩy ta bảo vệ bản thân. Khi giận dữ, ta đứng phắt dậy, nổi cơn tam bành. Với sự giận dữ, ta bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi của mình. 



Sợ hãi khiến ta “biến” đi chỗ khác, để khỏi phải đương đầu với hiểm nguy. Sợ hãi giúp ta nhận biết, phân biệt. Nó bảo vệ ta bằng cách cho ta biết hiểm nguy đang rình rập và quá sức mình nên không thể “chiến”. Nó hối thúc ta "chuồn lẹ" và tìm nơi ẩn nấp.


Đau khổ khiến ta rơi nước mắt. Nước mắt giúp ta gột sạch những nỗi lòng u uẩn, trầm uất. Với buồn đau, chúng ta giải tỏa những nỗi mất mát và giải phóng hết năng lượng hiện thời. Nếu ta không thể bộc lộ ra nỗi đau khổ của mình, thì ta sẽ không thể nào đoạn tuyệt được với quá khứ. Tất cả năng lượng cảm xúc liên quan tới nỗi trầm cảm hay tổn thương của ta sẽ trở thành bằng giá. Không được bộc lộ và giải tỏa, khối năng lượng này vẫn tiếp tục cố gắng chuyển hóa. Bởi nó không thể được bộc lộ ra trong những cơn đau khổ như thông thường, nên nó đành bộc lộ ra qua những hành vi bất thường. Điều này được gọi là “tái phát" (act out). Câu chuyện của Maggie (vốn là thân chủ của tôi) là một ví dụ minh họa tuyệt vời để bạn hiểu khái niệm này.


Maggie đã chứng kiến cha mình, một kẻ hung hãn và nát rượu, bạo hành mẹ mình. Cảnh tượng này lặp đi lặp lại trong suốt tuổi thơ của cô. Từ năm 14 tuổi trở đi, Maggie đã trở thành người xoa dịu nỗi đau cho mẹ. Sau khi bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bà mẹ liền lên giường nằm với Maggie. Bà mẹ run rẩy khóc lóc, bấu víu lấy cô con gái. Đôi khi người cha còn đánh đuổi theo và gào thét vào người vợ. Điều này khiến Maggie sợ hãi, run rẩy. Bất cứ hành vi bạo lực nào với một người trong gia đình cũng gây kinh hãi cho những người khác. Người chứng kiến bạo lực cũng chính là nạn nhân của bạo lực. Đáng ra Maggie cần được bộc lộ ra nỗi sợ và giải tỏa nỗi buồn trong lòng. Nhưng chẳng có một ai để cô bé chẳng thể tìm tới, để được ôm ấp vỗ về, xua tan đi nỗi đau không thể diễn tả thành lời của mình. Đến khi trưởng thành, cô không ngừng cố gắng tìm tới những người có thể đóng vai ông bố bà mẹ ôm ấp vỗ về cho cô. Khi Maggie tìm đến tôi, cô đã trải qua hai cuộc hôn nhân [đau khổ vì] bạo hành và nhiều mối quan hệ có yếu tố bạo hành khác. Và cô ý làm nghề gì bạn biết không? Maggie là nhà tham vấn chuyên về phụ nữ bị bạo hành và lạm dụng!

Những tổn thương trong thời thơ ấu của Maggie đã "tái phát". Cô chăm sóc những phụ nữ bị bạo hành và bước vào mối quan hệ tình cảm với những người đàn ông vũ phu. Cô chăm sóc họ, nhưng không ai chăm sóc cô. Năng lượng cảm xúc được bộc lộ ra theo cách duy nhất mà nó có thể - bằng cách "tái phát."

“Tái phát”, hay tái lặp lại (reenact), là một trong những cách tai hại nhất mà qua đó “đứa trẻ trong ta” hủy hoại cuộc đời ta. Câu chuyện của Maggie là một minh họa điển hình của sự thôi thúc không ngừng lặp lại quá khứ. “Biết đâu lần này mình có thể làm cho mọi thứ ổn thỏa.” đứa trẻ tổn thương trong lòng nàng nói. “Có lẽ nếu mình hoàn hảo và làm vui lòng cha, thì cha sẽ trân trọng, yêu thương mình.” Đây chính là lối tư duy ngây thơ, luôn tin tưởng vào phép màu của trẻ con, không phải lối tư duy lý tính của người lớn. Một khi ta đã hiểu điều này, ta mới thấy nó hợp lý. Một vài ví dụ khác của lối hành xử “tái  là:
  • Lặp lại hành vi bạo lực với người khác
  • Làm những việc mà vốn đã tự dặn với lòng mình là sẽ không bao giờ làm như thế với con cái 
  • Đột nhiên giận dữ, hờn dỗi trước những tình huống gợi lại tổn thương trong quá khứ
  • Cố chấp với những nguyên tắc lý tưởng của cha mẹ mình. 


Khi tổn thương thời thơ ấu "tái phát" trong chính mình

"Tái phát" trong chính mình (act in) có nghĩa là tái lặp lại những tổn thương trong quá khứ với chính mình. Chúng ta tự trừng phạt bản thân đúng theo cách đã bị trừng phạt thời thơ ấu. Tôi quen một người tự hành hạ mình mỗi khi anh ta mắc sai lầm. Anh ta tự dằn vặt mình bằng những lời chỉ trích, chẳng hạn như: “Mày dốt lắm! Sao mày có thể ngu như thế chứ?” Có đôi lần tôi thấy anh ta tự đánh vào mặt mình (khi còn nhỏ, anh ta thường bị mẹ tát vào mặt). Những cảm xúc trong quá khứ chưa được giải tỏa thường quay trở lại với chính người bị hại. Chẳng hạn trường hợp của Joe, khi còn nhỏ, anh ta chưa bao giờ được phép bộc lộ sự tức giận. Anh ta cực kỳ oán hận mẹ mình bởi bà ta chưa bao giờ để cho anh ta tự mình làm việc gì cả, Ngay khi anh ta bắt đầu một việc, bà ta sẽ nhảy xổ vào và nói những câu đại loại như “Mẹ cần phải giúp cậu con trai bé bỏng của mẹ.” hay “Con làm được đấy, nhưng để mẹ giúp con một tay nhé!” Ngay cả đến bây giờ, khi đã trưởng thành, Joe vẫn để cho mẹ làm mọi việc mà anh ta có thể tự làm. Joe được bà mẹ dạy phải nhất mực nghe lời và sự giận dữ ra mặt là một tội lỗi. Kết quả là, anh ta cảm thấy chán chường, lãnh cảm, mặc cảm, và không thể đạt được những điều mình muốn theo đuổi trong đời. Khối năng lượng cảm xúc “tái phát” trong chính mình có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng về thể chất như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau lưng, đau cổ, đau nhức cứng cơ, viêm khớp, hen suyễn, trụy tim và ung thư. Dễ bị vấp ngã, chấn thương cũng là một dạng “tự tái diễn”. Người ta tự trừng phạt mình bằng những vụ tai nạn.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, August 18, 2014

Trị liệu bằng yêu thương


Về cốt lõi thì phân tâm học là một phương pháp trị liệu bằng tình yêu thương.

Psychoanalysis is in essence a cure through love. 

Sigmund Freud 
(trong một bức thư gửi cho Carl Jung)

Tuesday, August 5, 2014

Niềm tin vào phép màu



Trẻ con thường tin vào những phép màu. Đó là niềm tin rằng một lời nói, cử chỉ hay hành động nào đó có thể thay đổi được thực tại. Những ông bố bà mẹ tâm lý bất ổn thường thúc đẩy lối suy nghĩ này ở con cái họ. Chẳng hạn, nếu bạn nói với trẻ rằng hành vi của chúng trực tiếp chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ai đó, bạn đang dạy trẻ tin tưởng vào phép màu. Một số cách nói kiểu như: “Mày đang giết mẹ mày đấy!”, “Hãy xem mày đã làm gì - mẹ mày đang rất bực mình đấy!”. “Mày đã thấy sung sướng chưa - mày làm cho bố mày nổi giận rồi đấy!” Hay cách nói “Tao biết mày đang nghĩ gì.” cũng củng cố niềm tin vào phép màu. Tôi nhớ có một nữ thân chủ đến tuổi 32 đã kết hôn tới năm lần. Cô ý nghĩ rằng hôn nhân sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề. Nếu cô ý có thể tìm được người đàn ông của cuộc đời mình, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Niềm tin kiểu như thế là niềm tin vào phép màu. Nó ngụ ý rằng một vài sự kiện hay con người nào đó có thể thay đổi toàn bộ đời sống mà cô ý không hề phải bỏ chút công sức nào để thay đổi bản thân.

Trẻ con tin tưởng vào phép màu là điều rất tự nhiên. Nhưng nếu đứa trẻ bị tổn thương do không được đáp ứng những nhu cầu tâm lý tình cảm, nó sẽ không thực sự trưởng thành. Con người trưởng thành của nó sau này vẫn còn ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ tin tưởng phép màu của trẻ con. 

Một số những niềm tin vào phép màu khác là:

  • Nếu tôi có tiền, tôi sẽ ổn thôi. 
  • Nếu người yêu/vợ/chồng bỏ tôi đi, tôi sẽ chết mất hay tôi sẽ không thể chịu đựng nổi. 
  • Kiếm được mảnh bằng cấp sẽ khiến tôi thông minh hơn. 
  • Nếu tôi chăm chỉ làm lụng, cuộc sống sẽ tưởng thưởng cho tôi. 
  • Chờ đợi sẽ đem đến kết quả tuyệt vời. 
Người ta dạy các cô bé những câu chuyện cổ tích đầy rẫy những phép màu. Cô bé lọ lem được dạy rằng phải chờ ở trong bếp chàng trai mang đúng chiếc giầy! Bạch Tuyết nhận được thông điệp rằng nếu nàng chờ đủ lâu, hoàng tử sẽ đến. Theo nghĩa đen, câu chuyện đó bảo với phụ nữ rằng định mệnh của họ phụ thuộc vào việc chờ đợi một kẻ ái thây (necrophile: kẻ thích hôn người chết) tình cờ đi qua khu rừng vào đúng thời điểm. Quả không phải là một viễn cảnh hay ho cho lắm! 


Qua những câu chuyện cổ tích, người ta dạy các cậu bé mong đợi vào phép màu. Nhiều câu chuyện chuyên chở thông điệp rằng có một người phụ nữ dành riêng cho họ, người mà họ phải tìm kiếm và sẽ thấy. Trong hành trình tìm kiếm, anh ta sẽ phải lưu lạc phương xa, băng qua rừng tối, chiến thắng những con rồng đáng sợ và nguy hiểm. Cuối cùng anh ta sẽ nhận ra, mà không chút hồ nghi, khi anh ta tìm thấy người con gái của cuộc đời mình. (Đó là lý do vì sao rất nhiều người đàn ông quá đỗi hồi hộp khi đứng trong thánh đường nhà thờ.) Thường thì định mệnh của đàn ông sẽ bị quyết định bởi những yếu tố bí ẩn như hạt đậu thần kỳ hay thanh gươm huyền diệu. Thậm chí anh ta có thể hẹn hò với một con ếch. Nếu anh ta có đủ dũng cảm để hôn nó, thì nó sẽ biến thành một nàng công chúa. (Phụ nữ cũng có phiên bản câu chuyện con ếch của riêng họ.) 

Đối với phụ nữ, phép màu có nghĩa là chờ đợi người đàn ông của cuộc đời mình, đối với đàn ông, thì đó là cuộc hành trình bất tận để đi tìm người phụ nử của cuộc đời mình. Tôi hiểu chuyện cổ tích có ý nghĩa trên bình diện huyền thoại và biểu tượng. Chúng không hợp lý, và, giống như các giấc mơ, chúng bộc lộ qua những hình ảnh. Rất nhiều chuyện cổ tích là những lời bày tỏ thông qua biểu tượng cho sự nhận ra bản chất giới tính. Khi quá trình trưởng thành diễn ra êm đẹp, rút cục người ta sẽ bỏ qua cách hiểu nghĩa đen của trẻ con để nhận ra ý nghĩa tượng trưng của chúng. Nhưng khi tâm hồn trẻ thơ trong con người ta bị tổn thương, nó sẽ tiếp tục coi những câu chuyện này là thực. Là người trưởng thành có tuổi thơ bị tổn thương, với niềm tin vào phép màu, người ta thường chờ đợi và/hoặc tìm kiếm một kết cục hoàn mỹ, nơi họ sẽ sống trong hạnh phúc mãi mãi.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, August 4, 2014

Khái niệm "Tự ngã" của Jung




Tự ngã (Self). Nguyên mẫu của sự toàn vẹn, hòa hợp (wholeness) và trung tâm vận hành của tâm thức; một thế lực siêu việt cá nhân vượt lên trên cái tôi (ego). 

Với tư cách là một khái niệm thực nghiệm, tự ngã biểu thị toàn thể phạm trù các hiện tượng tâm lý nơi con người. Nó thể hiện sự thống nhất của nhân cách như là một toàn thể. Nhưng khi xét đến nhân cách toàn thể, bởi thành phần vô thức của tự ngã chỉ có thể được ý thức phần nào, nên khái niệm này chỉ tiềm năng thực nghiệm phần nào đó và phần nào đó, làm một giả thuyết. Nói cách khác, nó bao hàm cả cái khả tri lẫn cái bất khả tri (hay cái vị khả tri: cái còn chưa được kinh nghiệm)... Nó là một khái niệm siêu nghiệm bởi nó ước đoán sự tồn tại của những yếu tố vô thức dựa trên những nền tảng thực nghiệm và từ đó nêu lên đặc trưng của một thực thể mà chỉ có thể miêu tả phần nào. ["Definitions," CW 6, par. 789.] 

Tự ngã không chỉ là trung tâm, mà còn là toàn bộ ngoại vi, tức bao hàm cả ý thức lẫn vô thức, nó là trung tâm của tổng thể này, cũng giống như cái tôi là trung tâm của ý thức. ["Introduction," CW 12, par. 44.] 


Giống như bất cứ nguyên mẫu nào khác, yếu tính của tự ngã là bất khả tri, nhưng những biểu hiện của nó lại chính là nội dung của thần thoại và huyền thoại. Tự ngã xuất hiện trong những giấc mơ, thần thoại và trong chuyện cổ tích, nó thủ vai những nhân cách phi thường, như đấng quân vương, người anh hùng, nhà tiên tri, đấng cứu thế… hay trong dạng biểu tượng tổng thể, như hình tròn, hình vuông, hình tròn chia thành bốn phần (quadratura circuli - như hình minh họa trên đây), chữ thập… Khi biểu tượng cho sự hợp nhất của các mặt đối lập (complexio oppositorum), tự ngã có thể xuất hiện như một lưõng cực hợp nhất, chẳng hạn như Đạo, trong sự tương tác giữa dương và âm, hay những người anh em thù địch hay người anh hùng và nghịch cảnh (kẻ thù không đội trời chung, rồng), Faust và Mephistopheles… Do đó, dựa trên kinh nghiệm ta thấy tự ngã xuất hiện như một vở kịch của ánh sáng và bóng tối, dù được thể hiện như một tổng thể và hợp nhất trong đó những mặt đối lập hòa hợp.

Sự nhận thức tự ngã là một yếu tổ tâm lý độc lập thường được củng cố bởi sự trỗi dậy bùng phát của những nội dung vô thức mà cái tôi không thể nào kiểm soát. Điều này có thể dẫn tới chứng nhiễu tâm và sự đổi mới trong nhân cách sau đó, hoặc dẫn tới sự đồng hóa mang tính thổng phồng với thế lực lớn hơn.

Cái tôi không thể nào không nhận ra sự hợp lưu của những nội dung vô thức đã đem đến sức sống, bồi đắp cho nhân cách, và tạo nên nét cá tinh mà bằng cách nào đó, khiến cho cái tôi trở nên bé nhỏ cả về tầm ảnh hưởng lẫn sức mạnh… Theo lẽ tự nhiên, ở những tình huống như thế này, [trong tâm hồn người ta] sẽ xuất hiện cám dỗ cực lớn nhằm theo đuổi tham vọng quyền lực và đồng hóa toàn bộ cái tôi với tự ngã, để duy trì ảo tưởng về sự kiểm soát của cái tôi… [Nhưng] tự ngã chỉ có ý nghĩa chức năng khí nó có thể tiến hành bù đắp cho vùng ý thức của cái tôi (ego-consciousness). Nếu cái tôi tan biến trong sự đồng hóa với tự ngã, nó sẽ tạo ra một tên siêu nhân mông muội có cái tôi kiêu căng tự mãn. [On the Nature of the Psyche," CW 8, par. 430.]


Những kinh nghiệm về tự ngã có đặc tính huyền dụ (numinosity) (1) của khải thị tôn giáo. Do đó Jung tin rằng không có sự khác biệt về bản chất giữa cái tôi như là một sự thực về mặt tâm lý, thực nghiệm và khái niệm truyền thống về một đấng tối cao. 



Có lẽ cũng có thể nó là “Thượng đế ngự bên trong chúng ta.” [The Mana-Personality," CW 7, par. 399.] 

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Self 
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Chú thích:

1. Huyền dụ (numinosity): Cảm xúc vừa kinh hoàng vừa say sưa kỳ diệu trước những thực tại cao cả, lớn lao, hoàn toàn xa lạ và khác biệt, nhưng cũng lại thân gần và đẹm lại ý nghĩa thâm sâu cho đời sống... (Theo Lưu Hồng Khanh, Tâm lý học chuyên sâu)

Wednesday, July 23, 2014

Khái niệm "vô thức tập thể" của Jung



Vô thức tập thể. Một tầng cấu trúc của tâm thức con người chứa đựng những yếu tố di truyền, hoàn toàn khác biệt so với vô thức cá nhân. (Xem thêm khái niệm nguyên mẫu và hình ảnh nguyên mẫu.)

Vô thức tập thể bao gồm toàn thể di sản tâm linh từ sự tiến hóa của nhân loại, tái sinh trong cấu trúc não bộ mỗi cá nhân.

Jung xây dựng lên lý thuyết vô thức tập thể từ sự đồng thời xuất hiện khắp nơi (ubiquity) của hiện tượng tâm lý mà không thể giải thích trên nền tảng của kinh nghiệm cá nhân. Hoạt động huyễn tưởng vô thức rơi vào hai phạm trù sau: Thứ nhất, những huyễn tưởng (bao gồm cả giấc mơ) mang một đặc tính cá nhân nào đó, không nghi ngờ gì là sự hồi tưởng lại từ kinh nghiệm cá nhân, từ những sự việc đã bị quên lãng hay bị ức chế và do đó, hoàn toàn có thể giải thích được bằng ký ức cá nhân. Thứ hai, huyễn tưởng (bao gồm cả giấc mơ) mang đặc tính phi cá nhân mà ta không thể quy giản chúng thành kinh nghiệm trong quá khứ của cá nhân, và do đó không thể giải thích là một cái gì đó được thủ đắc một cách cá nhân. Không nghi ngờ gì, những huyễn tưởng này có sự tương đồng gần gũi nhất với các thể loại thần thoại (1)… Những trường hợp này nhiều đến mức mà ta buộc phải đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một tầng tâm thức tập thể. Tôi gọi nó là vô thức tập thể. [The Psychology of the Child Archetype," CW 9i, par. 262.] 

Vô thức tập thể - trong chừng mực mà ta có thể nói chút gì đó về nó - tỏ ra chứa đựng mô-típ thần thoại hay ảnh tượng nguyên thủy, đó là lý do tại sao thần thoại của các dân tộc đều là những kẻ dẫn giải đích thực cho vô thức. Thực ra, toàn bộ các thần thoại có thể được coi như là một dạng phóng chiếu của vô thức tập thể… Do đó, chúng ta có thể nghiên cứu vô thức tập thể theo hai cách, bằng huyền thoại và bằng phân tích cá nhân. ["The Structure of the Psyche," CW 8, par. 325.]

Ta càng nhận diện được nhiều nội dung vô thức cá nhân bao nhiêu, thì tầng ảnh tượng và mô-típ đầy phong phú trong vô thức tập thể càng được hiển lộ nhiều bấy nhiêu. Hệ quả là nhân cách ta được mở rộng. Theo cách này, một cảm thức không còn bị tù túng trong thế giới cá nhân, quá mẫn cảm và nhỏ nhen, mà ung dung tự tại dự phần vào một thế giới rộng lớn hơn của những mối quan tâm khách quan, sẽ sinh khởi. Cảm thức rộng mở này không còn là tập hợp của những mong muốn, sợ hãi, hy vọng và tham cầu cá nhân đầy ích kỷ, hay tự ái nữa, những cái vẫn luôn được bù đắp hay điều chỉnh bằng những khuynh hướng đối nghịch trong vô thức; thay vào đó, cảm thức mới này là một chức năng của mối tương giao với thế giới sự vật, dẫn cá nhân vào sự hòa nhập không thể chia cắt, keo sơn và tuyệt đối với thế giới nói chung. [The Function of the Unconscious," CW 7, par. 275.]

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Collective unconscious
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, July 21, 2014

Ý nghĩa tượng trưng của đá



“Dụng công trên bề mặt viên đá là nỗ lực để thấu cảm năng lượng bên trong nó.”
“Mỗi viên đá đều được phú bẩm một ký ức lịch sử và địa chất riêng.”
“Đá đỏ vì trong nó chứa chất sắt, cũng như máu người vậy.” 

“Working the surface of a stone is an attempt to understand the internal energy of the stone.”
“A stone is ingrained with geological and historical memories.”
“The reason why the stone is red is its iron content, which is also why our blood is red.”

Andy Goldsworth


Đá tượng trưng cho một cái gì đó trường cửu, không thể mất đi hay tan vỡ, một cái gì đó vĩnh hằng mà có người so sánh với kinh nghiệm huyền nhiệm về Thượng đế ngự trong chính linh hồn con người.

Nó tượng trưng cho trải nghiệm có lẽ là thâm sâu và thuần phác nhất, trải nghiệm về cái gì đó vĩnh hằng mà con người có thể có trong những khoảng khắc này, khi anh ta thấy mình bất tử và bất khả biến. 

The stone symbolized something permanent that can never be lost or dissolved, something eternal that some have compared to the mystical experience of God within one’s own soul.

It symbolizes what is perhaps the simplest and deepest experience, the experience of something eternal that man can have in those moments when he feels immortal and unalterable.

Carl Jung, Man and his Symbols

Friday, July 18, 2014

Cá nhân & xã hội


Hy vọng duy nhất cho nhân loại nằm ở sự chuyển hóa của mỗi cá nhân. 

Krishnamurti

Sự cải cách của cá nhân tự động sẽ dẫn tới sự cải cách của xã hội.

Self-reform automatically brings about social reform.

Sự giác ngộ (thực chứng tự ngã) của mỗi người chính là sự phục vụ cao cả nhất mà ta có thể làm cho thế giới.

Our own self-realization is the greatest service we can render the world.

Ramana Maharshi

Monday, July 14, 2014

Chứng hung hãn


Chúng ta thường nghĩ rằng tất cả những người có tuổi thơ thiếu hụt hay tổn thương đều dễ mến, trầm lặng và thụ động chịu đựng. Nhưng thực ra, họ chính là những người phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra biết bao bạo lực và tội ác trên thế giới này. Khi còn nhỏ, Hitler thường xuyên bị đánh đập. Người cha thích hành hạ khiến ông ta cảm thấy bẽ bàng, tủi nhục và tự ti. Chính bản thân cha ông cũng là đứa con ngoài giá thú của một địa chủ người Do thái. Hilter đã tái lặp lại (reenact) hình thức cực đoan nhất của sự tàn ác đó lên hàng triệu con người vô tội. 


Tôi chợt nhớ tới một thân chủ của mình, Dawson. Khi cậu ta tìm đến tôi vì những rắc rối trong hôn nhân, công việc của cậu này là nhân viên an ninh ở hộp đêm. Cậu ta kể, hồi tuần trước, đã đấm vỡ quai hàm một gã. Cậu ta rất hào hứng khi miêu rả lại việc gã đó đã khiến anh cảm thấy “ngứa mắt”, muốn đập cho một trận như thế nào. Gã tỏ ra “cứng đầu”, ương ngạnh và cứ lởn vởn xung quanh để khiêu khích, chọc tức Dawson. Trong thời gian tham vấn với tôi, cậu ta thường xuyên nói chuyện theo kiểu như vậy. Những kẻ hung hãn chẳng bao giờ chịu trách nhiệm cho hành vi của họ.

Khi chúng tôi làm việc với nhau, thì hóa ra là: Dawson hay cảm thấy sợ hãi. Khi cậu ta cảm thấy như vậy, ký ức từ thời thơ ấu lại ùa về: cha cậu đã từng dùng đòn roi đánh đập, mắng chửi cậu ra sao. Mỗi khi cha “nổi cơn tam bành”, cậu ta đều run rẩy sợ hãi. thật chẳng an tâm chút nào khi phải sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi như vậy. Vậy nên Dawson đã đồng hóa với cái tôi của người cha. Cậu ta trở thành cha mình. Khi bất cứ điều gì gợi nhớ lại những hình ảnh bị bạo hành thời thơ ấu xuất hiện, nó gợi lại cảm giác sợ hãi và bất lực từ hồi đó, và thế là Dawson biến thành người cha hung hãn, reo rắc cho người khác cũng chính vết thương mà cha cậu đã gây ra cho cậu.

Chứng hung hãn (offender behavior), nguồn gốc chính của mọi sự hủy hoại mà con người gây ra, là kết quả của nạn bạo hành thời thơ ấu và những tổn thương dai dẳng không được hóa giải. Đứa trẻ bị tổn thương, mất mát ngày nào lại trở thành kẻ hung hãn khi trưởng thành. Để có thể hiểu được điều này, chúng ta phải thấy ra rằng rất nhiều kiểu bạo hành trẻ em đã biến chúng thành những kẻ hung hãn. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp bị bạo hành về thân thể, về tình dục, hay những hành hạ về mặt cảm xúc. Nhà tâm thần học Bruno Bettelheim đã gọi tiến trình này là “đồng hóa với người hành hung” Bạo hành về mặt tình dục, thân thể và cảm xúc khiến đứa trẻ kinh hãi đến mức mà chúng không thể giữ vững tính cá nhân của mình khi bị bạo hành. Để có thể sống sót qua nỗi đau, đứa trẻ phải đánh mất đi tất cả ý thức về căn tính của mình và đồng hóa với người hành hung. Bettelheim tiến hành cuộc nghiên cứu chủ yếu với những nạn nhân trại tập trung Đức Quốc Xã.

Gần đây trong mội buổi hội thảo của tôi, một nhà trị liệu đến từ New York đã giơ tay, xin đứng dậy để kể câu chuyện của mình. Cô tự nhận mình là người Do thái và kể cho chúng tôi nghe những điều khủng khiếp mà mẹ cô đã trải qua trong trại tập trung Phát-xít. Điểm nổi bật nhất trong câu chuyện là việc mẹ cô hành xử với cô y như cách tên quản ngục Phát-xít đã hành xử với bà. Bà mẹ đã tát và chửi cô là con lợn Do thái khi cô mới được 3 tuổi.

Có lẽ nhức nhối hơn cả là những kẻ lạm dụng tình dục. Thường thì, khi còn nhỏ chính họ cũng đã bị bạo hành tình dục. Khi lạm dụng trẻ em, họ tái lặp lại các hành vi lạm dụng mà họ đã phải trải qua thời thơ ấu. 

Tuy hầu hết hành vi hung hãn đều bắt nguồn từ thời thơ ấu, nhưng không phải lúc nào nó cũng là hệ quả của sự bạo hành hay lạm dụng. Một số kẻ hung hãn là do hồi nhỏ từng được bố nuông chiều quá mức, dẫn tới hư hỏng. Lũ trẻ ấy tin rằng chúng xứng đáng được mọi người đối xử đặc biệt và chúng chẳng làm gì sai trái cả. Chúng mất hết ý thức trách nhiệm, luôn nghĩ rằng vấn đề của chúng do lỗi của người khác.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, July 8, 2014

Chứng lụy thuộc


Tôi định nghĩa lụy thuộc (co-dependence) (1) là một nỗi bất an (dis-ease) (2) khi người ta đánh mất đi chính mình, hay ý thức về tính cá nhân của mình. Ở trong tình trạng lụy thuộc có nghĩa là người ta không còn biết cảm xúc của mình ra sao, thực sự mình mong muốn và khát khao cái gì. Ta hãy thử xem xét một số ví dụ sau đây: Pervilia nghe bạn trai cô kể về những căng thẳng trong công việc của anh. Đêm đó về nhà, cô không thể ngủ được bởi nỗi bồn chồn, bứt rứt về rắc rối của bạn trai. Cô cảm nhận được cảm xúc của anh ấy còn rõ hơn cảm xúc của chính cô. 

Khi Maxmillian kết thúc mối tình sáu tháng với cô bạn gái, anh ta như muốn tự tử. Anh ta tin rằng giá trị con người mình hoàn toàn phụ thuộc vào tình yêu của cô bạn gái dành cho mình. Sâu thẳm trong tâm hồn, thật ra Maximillian chẳng hề coi bản thân mình ra gì. Giá trị con người anh ta đến từ người khác, phụ thuộc vào người khác mà có.

Khi chồng Jolisha hỏi xem liệu cô có thích đi chơi vào buổi tối hôm đó không, cô không đưa ra câu trả lời rõ ràng rồi cuối cùng cũng đồng ý, Anh ta hỏi xem cô muốn đi đâu, cô nói việc đó không quan trọng. Anh đưa cô tới ăn ở Viking Barbecue Stand và sau đó đi xem phim The Return of the Ax Murderer. Cô ý không thích toàn bộ buổi tối hôm đó. Cô tỏ ra gắt gỏng và xa lánh anh trong suốt một tuần. Khi chồng hỏi, “Có chuyện gì thế em?” thì cô lại trả lời: “Không, chẳng có chuyện gì cả!” 

Jolisha là một người rất dễ thương. Khi được hỏi, mọi người đều nói tốt về cô. Thực ra, cô chỉ đang giả vờ là người dễ thương. Cô liên tục “diễn” trong cuộc sống của mình. Đối với Jolisha, tỏ ra dễ thương là một cái tôi giả tạo (a false self). Cô khộng biết mình thực sự mong muốn hay khát khao điều gì. Cô không nhận thức được đâu là con người thực của mình.

Jacobi năm nay 52 tuổi. Ông tìm đến tham vấn bởi vì ông đã ngoại tình với cô thư ký riêng, năm nay 26 tuổi trong hai tháng qua. Jacobi nói với tôi rằng ông không hiểu tại sao điều này lại xảy ra! Ông là người địa vị trong nhà thờ và là một thành viên của Ủy ban giữ gìn đạo đức. Ông dẫn đầu cuộc chiến xóa bỏ sách báo khiêu dâm ở thành phố mình. Thực ra, Jacobi đang đeo mặt nạ đạo đức giả. Ông hoàn toàn không nhận diện được ham muốn tình dục của mình. Sau nhiều năm bị ông chủ động ức chế, ham muốn tình dục đã nổi dậy kiểm soát lại ông.

Biscayne luôn cảm thấy có vấn đề với cân nặng của bà vợ. Ông hạn chế hầu hết các mối giao lưu xã hội bởi vì ông cảm thấy rất xấu hổ khi bạn bè nhìn thấy vợ ông. Biscayne không biết đâu là ranh giới tâm lý để phân biệt được đâu là con người mình, đầu là bà vợ. Ông tin rằng danh dự của ông sẽ bị người khác đánh giá thông qua vẻ bề ngoài của bà vợ. Bigello, một người đồng nghiệp của ông, có một cô tình nhân. Theo định kỳ ông này đưa bạn gái lên bàn cân để chắc rằng cân nặng cô ta không thay đổi. Bigello là một ví dụ khác về một người không có ý thức về một cái tôi cá nhân độc lập. Ông tin rằng danh dự của mình phụ thuộc vào cân nặng của tình nhân. 

Ophelia Oliphant yêu cầu chồng cô mua một chiếc ô-tô Mercedes. Cô cũng kiên quyết tiếp tục làm thành viên của câu lạc bộ River Valley Country. Gia đình là Oliphants đang ngập chìm trong nợ nần. Họ sống hết sức tằn tiện, dè xẻn từng ngày. Họ bỏ ra rất nhiều công sức để khất lần với các chủ nợ, để bắt chước theo hình ảnh giai cấp thượng lưu giàu có. Ophelia tin rằng sự tự tin, giá trị của con người cô phụ thuộc vào việc duy trì một hình ảnh thích hợp. Cô không có ý thức về một cái tôi độc lập.

Trong tất cả những câu chuyện kể trên chúng đều thấy rằng những người lụy thuộc vào một cái gì đó bên ngoài bản thân họ để được là chính mình, để có một bản sắc, căn tính riêng. Đây là những ví dụ điển hình về sự bất an của chứng lụy thuộc.

Chứng lụy thuộc được dung dưỡng trong những gia đình không có đời sống tinh thần êm ấm, lành mạnh. Chẳng hạn, mọi thành viên trong gia đình có người nghiện rượu cũng sẽ bị lụy thuộc vào thói uống rượu của người này. Bởi chứng nghiện rượu quá đe dọa tới đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, họ thích ứng [với hoàn cảnh này] bằng một lối sống thận trọng, đề cao cảnh giác trong một khoảng thời gian dài. Trong bản tính tự nhiên của con người, thích ứng với căng thẳng được dự kiến là một trạng thái nhất thời, nó chưa bao giờ được dự kiến là sẽ tiếp diễn lâu dài cả. Qua thời gian, một người sống với sự căng thẳng lâu dài thói nghiện rượu không còn khả năng nhận biết được nội tâm của chính mình, anh ta không còn biết rõ các cảm giác, mong muốn và khát khao của mình nữa.

Trẻ em cần có những mẫu hình cảm xúc an toàn và lành mạnh để hiểu được những dấu hiệu từ nội tâm mình. Chúng cũng cần được giúp đỡ để có thể tách biệt được đâu là suy nghĩ và đâu là cảm xúc. Khi môi trường gia đình tràn ngập bạo lực (do chất kích thích, về mặt cảm xúc, thân thể hay tình dục), đứa trẻ phải đưa toàn bộ sự chú ý hướng ra bên ngoài. Qua thời gian, nó mất đi khả năng tạo dựng sự tự tin từ bên trong mình. Không có một đời sống nội tâm lành mạnh, người ta sẽ bị đầy ải trong lối sống cố gắng tìm kiếm thỏa mãn, khoái lạc từ bên ngoài. Đấy là sự lụy thuộc, và đó là triệu chứng của những người có tuổi thơ bị tổn thương, mất mát (wounded inner child). Hành vi lụy thuộc cho thấy rằng những nhu cầu thời thơ ấu đã không được đáp ứng, và do đó người ta không thể biết mình là ai. 

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch



Chú thích:

1. Tiền tố “co-” thường có nghĩa là “cùng” (with) hoặc “đồng” (together). Vì vậy “co-dependence” thường được dịch là “đồng phụ thuộc”. Tuy nhiên, theo từ điển Oxford, từ này có nghĩa là: “sự phụ thuộc về mặt tâm lý và tình cảm quá mức vào người bạn đời, thường là những người bị bệnh tật hay nghiện ngập cần được trợ giúp” (excessive emotional or psychological reliance on a partner, typically one with an illness or addiction who requires support). Thế nên, từ này nên được dịch là “lệ thuộc” hay “lụy thuộc” thì hợp lý hơn.

2. “Dis-ease” là cách chơi chữ của tác giả với từ “disease”, vốn có nghĩa là “bệnh tật”. Tiền tố “dis-” vốn có nghĩa là không, còn “ease” có nghĩa là “thảnh thơi”. Ở đây, có lẽ tác giá muốn nói “lụy thuộc” vừa là một nỗi bất an, vừa là một căn bệnh.