Tuesday, January 28, 2014

Cái tôi và tự ngã (I)


Các hình trên thể hiện cho các giai đoạn tiến triển của sự phân tách cái tôi khỏi tự ngã xuất hiện trong quá trình trưởng thành tâm lý. Khu vực cái tôi bị gạch chéo là để chỉ phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã. Dường nối trọng tâm của cái tôi tới trọng tâm của tự ngã thể hiện cho trục nối cái tôi và tự ngã - sợi dây liên kết trọng yếu giữa cái tôi và tự ngã nhằm đảm bảo cho sự hội nhập của cái tôi. Ta nên hiểu rằng các hình trên chỉ dùng để minh họa cho một khía cạnh nhất định, và do đó nó không chính xác trong các khía cạnh khác. Chẳng hạn, thông thường chúng ta hay định nghĩa tự ngã như là toàn thể tâm thức, trong đó tất yếu có cả cái tôi. Theo các hình này và theo phương pháp đang trình bày, cứ như thể là cái tôi và tự ngã lại trở thành hai thực thể tách biệt nhau, cái tôi là vòng tròn nhỏ, còn tự ngã là vòng tròn to toàn thể. Rắc rối này vốn có ngay trong chính vấn đề. Nếu về lý mà nói, chúng ta chắc chẳn phải phân biệt giữa cái tôi và tự ngã, điều này lại mâu thuẫn với định nghĩa về tự ngã của chúng ta. Sự thật là, khái niệm tự ngã là một nghịch lý. Nó đồng thời vừa là trung tâm lại vừa là chu vi của vòng tròn toàn thể. Coi cái tôi và tự ngã như hai thực thể tách biệt chỉ đơn thuần là phương tiện lý tính cần thiết để thảo luận về chúng. 


Hình 1 (H.1) tương ứng với trạng thái hỗn mang sơ khai của Neumann (1). Chưa có gì xuất hiện ngoại trừ tự ngã-viên mãn (2). Phôi thai của cái tôi mới chỉ xuất hiện ở dạng tiềm năng. Cái tôi và tự ngã là một, điều này có nghĩa chưa có cái tôi, Đây là trạng thái ban đầu khi cái tôi còn đồng nhất hoàn toàn với tự ngã.

Hình 2 (H.2) cho thấy cái tôi đang trồi lên, biểu thị cho sự bắt đầu tách biệt khỏi tự ngã nhưng trọng tâm và một phần lớn của nó vẫn còn đồng nhất với tự ngã. 

Hình 3 (H.3) trình bày cho ta thấy giai đoạn cao hơn của sự trưởng thành. Tuy nhiên, cái tôi vẫn còn đồng nhất một phần với tự ngã. Trục nối cái tôi và tự ngã trong hình 1 và 2 hoàn toàn vô thức, do đó không thể phân biệt với phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã, giờ đã phần nào được ý thức.

Hình 4 (H.4) là một cực điểm lý thuyết lý tưởng có lẽ không tồn tại trong thực tế. Nó biểu thị cho sự tách biệt hoàn toàn của cái tôi khỏi tự ngẫ và trục nối cái tôi và tự ngã được ý thức trọn vẹn.

Các hình này được vẽ ra để minh họa cho luận điểm rằng sự trưởng thành tâm lý được đặc trưng bởi hai quá trình xảy ra đồng thời, ấy là sự tách biệt từng bước của cái tôi khỏi tự ngã và sự trồi lên bề mặt ý thức dần dần của trục nối cái tôi và tự ngã. Nếu đây là sự hình dung đúng thực tế, thì nó nghĩa là sự tách biệt của cái tôi khỏi tự ngã và ý thức tăng dần của cái tôi về sự phụ thuộc vào tự ngã là hai mặt của một tiến trình hiển lộ duy nhất liên tục từ lúc sinh ra cho tới khi chết đi. Mặt khác, các hình này cũng thể hiện sự hợp lý thông thường khi cho rằng: nhận thức về tính tương đối của cái tôi xảy ra vào nửa sau của cuộc đời. Nếu ta coi hình 3 tương ứng với với tuổi trung niên, ta sẽ thấy rằng chí tới giai đoạn này, phần trên của trục nối cái tôi và tự ngã mới bắt đầu trồi lên bề mặt ý thức.

Edward Edinger, Ego and Archetypes, pp.9-10
Đỗ Hoàng Tùng dịch

(1) Nguyên văn là “original uroboric state”.“Uroboric” ở đây là tính từ, bắt nguồn từ “uroboros”, danh từ Hy Lạp có nghĩa đen là con rắn tự cắn đuôi mình. Nó thường được dùng để biểu tượng cho vòng tuần hoàn, đặc biệt là những gì luôn tái tạo lại chính mình: sinh tử rồi tử sinh, hay vòng luân hồi vĩnh cửu. Erich Neumann, nhà tâm lý học theo trường phái Jung, sử dụng nó như là hình tượng của “trạng thái ban đầu” trước khi cái tôi được sinh ra, để diễn tả kinh nghiệm sơ khai vô phân biệt của toàn nhân loại cũng như từng đứa trẻ. 

(2) Nguyên văn là “Self-mandala”. “Mandala” là danh từ Phạn ngữ có nghĩa đen là vòng tròn. Nó là biểu tượng nghi lễ và tâm linh trong Ấn Độ giáo và Phật giáo, biểu thị cho vũ trụ. Dạng căn bản của mandala là một hình vuông có bốn cửa, bao bọc bên ngoại một hình tròn có chấm điểm ở giữa. Trong tâm lý học theo trường phái Jung, các mandala thường xuất hiện trong các giấc mơ, huyễn tưởng. Nó biểu tượng cho tính toàn thể của tự ngã, thường xuất hiện để lập lại sự cân bằng trong các giai đoạn tâm lý bất ổn, rối loạn.

Đọc thêm:

Saturday, January 18, 2014

Cái tôi và tự ngã (III)


Tự ngã, trong vai trò trung tâm và toàn thể của tâm thức có khả năng điều hòa tất cả các đối lập, có thể được coi là cơ quan [có khả năng] bao dung, chấp nhận bậc nhất. Bởi nó bao hàm toàn thể, nó phải có khả năng bao dung, chấp nhận tất cả các thành phần của đời sống tâm thức cho dù chúng có thể đối nghịch [với nhau] thế nào đi nữa. Chính khả năng này của tự ngã giúp cho cái tôi được mạnh mẽ và ổn định. Khả năng bao dung, chấp nhận này được chuyển tới cái tôi qua trục nối cái tôi và tự ngã. Thiếu khả năng bao dung, chấp nhận bản thân là triệu chứng cho thấy trục nối này đã bị tổn thương. Cá nhân cảm thấy rằng y không xứng đáng để sống trên đời hay để sống đúng với con người mình. Tâm lý trị liệu trao cho những người như thế một cơ hội để trải nghiệm cảm giác được chấp nhận, được bao dung. Trong những ca trị liệu thành công, điều này có thể đồng nghĩa với sự hàn gắn lại trục nối cái tôi và tự ngã, phục hồi lại mối liên lạc với cội nguồn của sự lmạnh m và bao dung trong nội tâm, cho phép bệnh nhân có thể tự do sinh sống và trưởng thành. 

Những bệnh nhân có trục nối cái tôi và tự ngã bị tổn thương bị ấn tượng hơn cả khi khám phá ra rằng nhà trị liệu chấp nhận con người họ. Ban đầu, họ không thể nào tin được điều này. Rất có thể họ sẽ không còn tin rằng mình được chấp nhận, nếu họ chỉ coi đó là một kỹ thuật nghề nghiệp chứ [nhà trị liệu] chẳng thật lòng chút nào. Tuy nhiên, nếu họ nhận thấy sự chấp nhận của nhà trị liệu là thật lòng, một sự chuyển dịch mạnh mẽ sẽ nhanh chóng xuất hiện. Nguồn gốc của sự chuyển dịch này dường như là sự phóng chiếu của tự ngã, đặc biệt là chức năng như một cơ quan bao dung, chấp nhận. Tới thời điểm này, những phẩm chất trọng yếu của nhà trị liệu-tự ngã sẽ trở nên nổi bật. Nhà trị liệu, với tư cách một con người, trở nên hết sức đặc biệt đối với cuộc đời và tư tưởng của người bệnh. Những buổi trị liệu trở thành những ngày vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong khoảng thời gian đó. Một tâm điểm mang đến ý nghĩa và trật tự đã xuất hiện ở nơi mà trước đây chỉ có hỗn độn và tuyệt vọng. Những hiện tượng này ngụ ý rằng sự hàn gắn lại trục nối cái tôi và tự ngã đang diễn ra. Những buổi gặp gỡ với nhà trị liệu sẽ được trải nghiệm như là một mối liên hệ tươi mới trở lại với cuộc đời, đem đến cảm giác hy vọng và lạc quan. Ban đầu, những hiệu ứng như thế đòi hỏi sự liên hệ thường xuyên và suy giảm nhanh chóng [trong khoảng thời gian] giữa các buổi trị liệu. Nhưng dần dần, phần còn ngầm ẩn của trục nối cái tôi và tự ngã sẽ hiện ra ngày càng nhiều hơn.

Trải nghiệm được bao dung, chấp nhận không chỉ hàn gắn lại truc nối cái tôi và tự ngã mà còn tái kích hoạt phần cá tính cái tôi còn đồng nhất với tự ngã. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra chừng nào trục nối cái tôi và tự ngã còn hoàn toàn vô thức (trạng thái được biểu thị bằng đồ hình 2). Do vậy những thái độ kiêu căng tự mãn, những kỳ vọng sở hữu,... sẽ xuất hiện, chúng sẽ kiêu kích thêm sự chối bỏ từ nhà trị liệu hay từ môi trường sống. Một lần nữa, trục nối cái tôi và tự ngã sẽ bị tổn thương, tạo ra tình trạng phần nào bị xa lánh, ghét bỏ. Lý tưởng mà nói, trong tâm lý trị liệu, và trong sự trưởng thành tự nhiên, người ta sẽ hy vọng rằng sự giải trừ từng bước phần cá tính của cái tôi còn đồng nhất với tự ngã sẽ êm đẹp, nhẹ nhàng đến mức nó sẽ không gây ra tổn thương nào cho trục nối cái tôi và tự ngã. Trong thực tế, hoàn cảnh đáng ao ước này chắn chắn chưa từng xảy ra. 

Edward Edinger, Ego and Archetypes, pp.40-41
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Đọc thêm:

Monday, January 6, 2014

Tâm lý trẻ em (0 đến 9 tháng)


Cây cầu tương giao
Trong giai đoạn sơ sinh, mỗi đứa trẻ cần được đón chào khi đến với cuộc đời này. Trẻ cần có sự gắn bó sâu sắc với bà mẹ, người sẽ đóng vai trò làm tấm gương phản chiếu cho trẻ. Sơ sinh được gọi là giai đoạn cộng sinh bởi trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào bà mẹ. Trẻ dựa vào bà mẹ để hiểu biết chính mình và để được đáp ứng các nhu cầu sinh tồn căn bản. Ở giai đoạn này, trẻ chưa có sự phân biệt giữa “ta” và “người khác”. Điều này có nghĩa là một cách tự nhiên và vô thức, trẻ hòa hợp với chính mình, nhưng trẻ lại chưa có khả năng phản ánh và biết một cách ý thức trẻ là một con người độc lập. Trẻ cần được ánh mắt và giọng điệu của bà mẹ phản ánh lại để trẻ nhận diện được biểu hiện của mình. Trẻ cần bà mẹ làm tấm gương phản chiếu lại trước khi trẻ có thể tự hiểu chính mình. Cuộc sống bắt đầu bằng một sự kết hợp hiện hữu đích thực: vận mệnh của trẻ phụ thuộc vào người tình cờ là mẹ của trẻ… Nếu bà mẹ luôn ở bên cạnh trẻ, một mối quan hệ gắn bó sẽ hình thành. Mối quan hệ này được gọi là “cây cầu tương giao,” nền tảng cho mọi mối quan hệ trong tương lai. Nếu cây cầu này được xây dựng dựa trên sự trân trọng và thương mến lẫn nhau, nó tạo dựng hình mẫu cho các mối quan hệ mới của trẻ sau này. Nếu trẻ không được mẹ quan tâm đúng mức hay thậm chí bỏ mặc, “cây cầu” sẽ đứt gẫy và trẻ sẽ đi đến chỗ tin rằng nó không có quyền dựa dẫm vào bất kỳ ai hết. Điều này sẽ khiến trẻ bắt đầu các mối quan hệ bệnh lý với đồ ăn, chất gây nghiện, tình dục… trong tương lai.


Ái kỷ lành mạnh
Trẻ cần một bà mẹ luôn coi trọng mình, để xác tín cho trẻ biết trẻ là một đứa bé đẹp đẽ, hoàn hảo, để trẻ biết rằng luôn có người ở bên cạnh trẻ khi trẻ cần… Tất cả những điều này hợp thành cái mà Alice Miller gọi là "đáp ứng sự ái kỷ lành mạnh của trẻ." Trẻ cần được yêu thương đúng như trẻ vốn vậy. Trẻ cần nhận được khen ngợi và trân quý. Trẻ cần được ôm ấp, vuốt ve, cưng nựng. Trẻ cần chắc rằng bà mẹ sẽ không bỏ mặc trẻ. Khi những nhu cầu này được đáp ứng đầy đủ ở tuổi thơ, thì người ta sẽ không còn đòi hỏi chúng khi đã trưởng thành.

Phản ánh đồng cảm
Trong giai đoạn này, trẻ vẫn cảm giác mình là một phần của bà mẹ. Trẻ cảm thấy những gì bà mẹ cảm thấy. Trẻ cáu bẳn khi bà mẹ cáu bẳn. Trẻ cảm nhận về bản thân đúng theo những gì bà mẹ cảm nhận về trẻ. Với trẻ sơ sinh, cảm giác là căn bản. Không thành vấn đề việc bà mẹ làm tốt vai trò của mình đến đâu. Điều thực sự quan trọng là bà mẹ cảm thấy ra sao về đứa con của mình. Nếu bà mẹ tức giận vì lỡ mang thai trẻ, nếu bà mẹ tin rằng bà ta phải kết hôn vì lỡ có trẻ, trẻ sẽ cảm nhận được một cách sâu xa điều này.



Ôm ấp vuốt ve
Trẻ sơ sinh cần được ôm ấp, vuốt ve, cưng nựng để trẻ cảm nhận rằng mình được yêu thương, được chăm sóc và được an toàn. Trẻ cần được ăn khi đói. “Ăn đúng bữa” từng là cực hình gây kinh hoàng cho nhiều thế hệ trẻ em. Sam Keen đã chỉ ra rằng các thiền sư đã mất rất nhiều năm để đạt được cái mà mỗi đứa trẻ đều biết - mệt thì ngủ, đói thì ăn. Điều mỉa mai là sự phúc lạc đầy chất thiền này đã bị xã hội hiện đại phá hủy một cách bài bản và hệ thống. Trẻ cũng cần được tắm rửa sạch sẽ. Trẻ chưa kiểm soát được chức năng tiêu hóa nên trẻ cần mẹ rửa vệ sinh. Đây là những nhu cầu trẻ không thể tự đáp ứng, mà trẻ cần phụ thuộc vào mẹ. 

Lạc quan tin tưởng
Trẻ cần được nghe giọng nói ấm áp và ngọt ngào của mẹ. Trẻ cần rất nhiều những tiếng “ú òa” để trẻ cảm thấy rằng mình được quan tâm. Trẻ cần được nghe giọng nói đầy vững vàng, an toàn để trẻ cảm thấy an toàn. Có lẽ hơn tất thảy, trẻ cần được cảm nghiệm một người tin tưởng, lạc quan vào cuộc sống và sự hiện hữu của mình. Erik Erikson cho rằng thử thách của giai đoạn đầu đời là thiết lập một ý niệm về sự hiện hữu, mà đặc trưng là một cảm giác tin tưởng vào thế giới bên ngoài. Carl Rogers từng nói rằng một trong những điều có ý nghĩa nhất mà ông học hỏi được là “thực tế thì thân thiện”’ - tức là, thực tại đời sống có thể tin tưởng được. Tin tưởng hay không tin tưởng là thử thách đầu tiên mà cuộc sống dành cho trẻ. Nếu trẻ phát triển theo hướng tin tưởng, thì một phẩm chất căn bản của cá nhân được hình thành. Phẩm chất này sẽ hình thành nên nền tảng cho niềm lạc quan hy vọng. Nếu cuộc đời này về cơ bản là có thể tin tưởng, thì việc người ta có thể sống với đúng bản chất của mình là điều khả thể. Trẻ có thể tin tưởng rằng những gì người ta cần luôn sẵn có trong đời.

Pam Levin cho rằng giai đoạn đầu tiên của cuộc đời này là thời kỳ trẻ phát triển năng lực hiện hữu. Nếu tất cả những yếu tố ta vừa nói trên có mặt, thì trẻ có thể sống với đúng bản chất của mình. Bởi thế giới bên ngoài luôn an toàn, và bởi bố mẹ trẻ đã tự đáp ứng được các nhu cầu tâm lý của mình bằng tình yêu thương và sự hỗ trợ lẫn nhau. Trẻ sẽ không cần phải sống khác vởi bản chất của mình để làm vui lòng bố mẹ. Trẻ có thể vui sống theo cách của mình.

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng phỏng dịch

Saturday, January 4, 2014

Hệ quả do tổn thương từ giai đoạn 9 tháng - 3 tuổi



Những biểu hiện không lành mạnh ở tâm lý người trưởng thành do tổn thương trong giai đoạn từ 9 tháng đến 3 tuổi có thể được tóm tắt lại như sau:

Tổn thương chân ngã - chối bỏ cái tôi đích thực

Bạn luôn cảm thấy con người mình có cái gì đó không ổn, khiến bạn không bao giờ cảm thấy thực sự bình an.

Mặc cảm xấu hổ tiêu cực

Mặc cảm này bạn chẳng có điểm gì tốt đẹp hết. Tất cả những gì bạn cảm thấy, bạn làm và bạn nghĩ là sai trái, xấu xa. Bạn là một con người đầy lỗi lầm và khiếm khuyết.

Dễ dẫn tới các hành vi phạm pháp

Thiếu kỷ luật tạo nên các hành vi phạm pháp. Một kẻ phạm pháp tìm mọi cách để có được cái mình muốn bất chấp hậu quả. Anh ta không hề có ý thức trách nhiệm về hành vi sai trái/để lại hậu quả tai hại của mình.

Quá khắc kỷ (nghiêm khắc với bản thân)

Để cảm thấy mình có giá trị, “đứa trẻ bên trong tâm hồn bạn” sẽ luôn tìm cách trở thành người hữu ích, đem đến niềm vui, sự hài lòng cho những người xung quanh. Bạn học cách sống tuân thủ nghiêm ngặt theo các luật lệ. Bạn rất hay phê phán lỗi lầm (dù là nhỏ nhặt) của bản thân và người khác.

Nghiện ngập

Khả năng chối từ, kiềm chế trước các ham muốn của bạn rất thấp. Bạn là người nghiện mua sắm, nghiện ăn uống, nghiện tình dục,....

Cô độc

“Đứa trẻ bên trong tâm hồn bạn” có xu hướng tự cô lập bản thân. Bởi đấy là cách duy nhất để nó cảm thấy rằng nó an toàn, nó có khoảng không gian riêng không bị ai xâm phạm. Không ai có thể làm tổn thương bạn nếu bạn không tương tác với bất kỳ ai.

Thiếu cân bằng

Bởi “đứa trẻ bên trong tâm hồn bạn” chưa bao giờ học được cách cân bằng giữa “buông bỏ” và “nắm giữ”. Nếu là thuộc dạng “nắm giữ”, bạn có xu hướng keo kiệt về tiền bạc, cảm xúc, lời khen, yêu thương. Nếu thuộc dạng “buông bỏ”, bạn có xu hướng sống phóng túng theo bản năng... Sự thiếu cân bằng của bạn có thể dẫn đến sự kiểm soát con cái quá mức hoặc bạn lại không cho chúng bất cứ giới hạn thực sự nào. Không có kỹ năng sống tự lập, bạn sẽ thường gặp phải nhiều rắc rối dai dẳng trong các mối quan hệ tình cảm. Hoặc bạn sẽ trở nên quá quấn quít, lụy thuộc vào người yêu, hoặc bạn sẽ quá xa cách trong các mối quan hệ tình cảm.

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng phỏng dịch

Friday, January 3, 2014

Tâm lý trẻ em (9 tháng - 3 tuổi)


… Tới 9 tháng tuổi, thế giới xung quanh với những đồ vật đầy hấp dẫn là nơi để trẻ khám phá các giác quan của mình. Trẻ tò mò với mọi thứ, muốn thử nghiệm với tất cả những gì trong tầm tay mình. Sự hiếu kỳ này của trẻ, nếu được nuôi dưỡng, sẽ giúp trẻ có tính cách mạnh bạo và sáng tạo sau này. Nhưng đây cũng là giai đoạn trẻ dễ gặp nguy hiểm, khi trẻ không phân biệt được đâu là đồ chơi, đâu là ổ cắm điện. Vì vậy, cần phải có một người thường xuyên canh chừng trẻ với lòng kiên nhẫn gần như vô hạn. 

Trong giai đoạn khám phá [thế giới xung quanh] này, trẻ bắt đầu phát triển cơ bắp. Cụ thể là, qua các hoạt động và trò chơi, trẻ sẽ phát triển hai kỹ năng cơ bản: “nắm giữ” và “buông bỏ”. Từ việc học đi, học ăn, cho đến chơi đồ chơi, học bơi, học chạy, trẻ cần phải biết cách cân bằng giữa “nắm giữ” và “buông bỏ". Khi học được sự cân bằng này, trẻ cũng phát triển được sức mạnh cơ bắp lẫn ý chí. Một đứa trẻ có ý chí tốt sẽ biết cách “nắm giữ” sao cho phù hợp (khi phải ngồi im) và “buông bỏ" sao cho phù hợp (khi phải đi đại tiện).

“Nắm giữ” và “buông bỏ” cũng liên quan đến cả việc cân bằng cảm xúc. Ban đầu, một đứa trẻ hoàn toàn không biết cân bằng cảm xúc. Chúng chưa thử nghiệm xem chúng có thể và không thể làm gì. Chúng có xu hướng cực đoan và có thể hành xử như những “ông vua con”. Chúng cáu gắt, phá phách khi không có được cái mình muốn. Lúc này, chúng cần có những ông bố bà mẹ hết sức vững vàng và bình tĩnh. Họ sẽ phải đặt ra những luật lệ, những giới hạn mà trẻ không được phép vượt qua. Khi bị đưa vào khuôn phép như vậy, chắc chắn trẻ sẽ giận dỗi bố mẹ, nhưng trẻ vẫn luôn cần được đảm bảo rằng, bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh trẻ, [hỗ trợ trẻ bất cứ khi nào trẻ cần]

Qua những lần “mâu thuẫn về lợi ích” với bố mẹ như vậy, trẻ sẽ học được rằng không phải lúc nào nó cũng có được cái mà nó muốn. Nhận thức đó sẽ phát sinh trong trẻ sự xấu hổ, tủi thân và nghi ngờ về khả năng của bản thân. Nhưng đây là sự mặc cảm lành mạnh cần phải có. Nó giúp trẻ hiểu được rằng con người không phải là đấng toàn năng, con người luôn có những giới hạn, con người là bất toàn. 

Mục tiêu trong giai đoạn này là trẻ có thể phát triển được một ý chí mạnh mẽ. Đây là phẩm chất giúp trẻ có năng lực hành động trong cuộc sống. Người ta sẽ không thể làm tốt được việc gì nếu không có kỷ luật, tức khả năng cân bằng giữa “buông” và “nắm”. Nếu không có ý chí mạnh mẽ, chúng ta không thể nào có kỷ luật. Chúng ta sẽ sống buông thả, phóng túng, nuông chiều bản thân theo ý thích, hoặc sẽ sống quá chắt bóp, kiêu kiệt, quá kiểm soát, quá lặm dụng/nghiện ngập..

Bên cạnh ý chí mạnh mẽ, trẻ cũng cần nhận ra bản chất bất biến, hằng hữu (luôn có) của con người. Tức là, không ai hoàn hảo cả, cả bố mẹ lẫn chính trẻ. Một sự xấu hổ, tủi thân lành mạnh sẽ giúp trẻ hiểu được điều này. “Bố và mẹ cũng chỉ là những con người bình thường. Không phải lúc nào bố mẹ cũng sẽ cho mình cái mình muốn. Nếu bố mẹ sáng suốt, thì bố mẹ sẽ cho mình cái mình cần. Khi bố mẹ đưa ra những khuôn phép giới hạn, mình thường giận dỗi. Nhưng đó lại chính là cách để mình biết cân bằng hơn trong cuộc sống.”

Khi trẻ nhận ra rằng đôi khi bố mẹ đem đến cho mình niềm vui, nhưng đôi khi, cũng chính bố mẹ lấy niềm vui ấy đi. Họ vẫn như vậy, bất biến, hằng hữu, cho dù họ có thể tốt hay xấu trong mắt trẻ. Trẻ cũng cần nhận ra rằng, chính tâm trạng của mình cũng bấp bênh, lên xuống. Có ngày trẻ vui, nhưng cũng có ngày trẻ buồn. Nhưng dù vui hay buồn, trẻ vẫn là cùng một người, vẫn là chính mình. Những người bị tổn thương thời thơ ấu thường không nhận ra điều này, họ có xu hướng sống cứng nhắc và cực đoan, họ thường suy nghĩ theo lối một chiều, hoặc là tất cả hoặc không là gì cả, hoặc tốt hoặc xấu.

Khi trẻ đã tạo dựng được tính độc lập cho mình, chúng bắt đầu đặt ra các ranh giới. Biết rằng “cái gì là của mình, cái gì là của bạn” là điều thiết yếu để gây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Khi ở tuổi chập chững, bạn nói “cái này là của tớ” rất nhiều lần. Bạn làm vậy là để tạo dựng nhận thức về sở hữu: cái gì là của bạn, cái gì là của người khác.

John Bradshaw, Reclaiming and Healing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng lược dịch

Trắc nghiệm tổn thương (9 tháng - 3 tuổi)


Các câu hỏi dưới đây dành cho giai đoạn trẻ chập chững biết đi. Từ câu 1 đến câu 9 nhắm tới giai đoạn từ 9 đến 18 tháng tuổi. Đây là nửa đầu của giai đoạn chập chững, trẻ bắt đầu tập bò, cầm nắm, sờ soạng mọi thứ…. Nói chung, trẻ hết sức tò mò và hứng thú khám phá thế giới xung quanh.

Câu hỏi 10 đến 22 nhắm tới giai đoạn từ 18 tháng đến 3 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tìm cách phần nào thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Trẻ sẽ bắt đầu nói: “Không!” “Để con làm nó”, “Còn không làm đâu!”, đặc biệt là với những yêu cầu của cha mẹ. Trẻ sẽ không còn vâng lời, nhưng vẫn luôn ở trong tầm mắt của cha mẹ. Tiến trình tách khỏi sự phụ thuộc này được coi như là sự khai sinh lần hai, hay sự khai sinh về mặt tâm lý của trẻ. Nó đánh dấu sự khởi đầu đúng nghĩa của sự hình thành một cá nhân, một cái tôi hiện hữu đọc lập. 

Nhưng nếu trong giai đoạn này của thời thơ ấu, bạn bị bố mẹ kiểm soát quá kỹ càng, hoặc những nỗ lực để trở nên độc lập của bạn bị bẻ gẫy ngay từ đầu... thì hệ quả ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi hiện tại của bạn ra sao? Xin mời làm bài trắc nghiệm sau để do lường mức độ thiếu hụt/tổn thương tình cảm trong giai đoạn từ 9 tháng đến 3 tuổi của mình.

1. Bạn không rõ, không biết chắc rằng mình thực sự muốn gì.

Đúng____ Sai____

2. Bạn thấy e rè, ngần ngại khi tới những nơi bạn lần đầu đặt chân đến.

Đúng____ Sai____

3. Bạn không hứng thú với các trải nghiệm mới lạ. Nếu phải thử, bạn luôn đợi xem ai đó thử trước xem thế nào.

Đúng____ Sai____

4. Bạn cực kỳ sợ bị bạn bè, người thân xa lánh, bỏ rơi, lạnh nhạt với mình.

Đúng____ Sai____

5. Khi gặp khó khăn, bạn luôn mong rằng ai đó sẽ nói cho bạn biết phải làm gì.

Đúng____ Sai____

6. Nếu ai đó cho bạn lời khuyên, bạn thường cảm thấy mình nên làm theo lời khuyên đó.

Đúng____ Sai____

7. Bạn gặp khó khăn trong việc sống trọn vẹn với trải nghiệm hiện tại. Chẳng hạn, khi đi du lịch, ban thường lo sợ vô cớ rằng cả đoàn sẽ lên ô-tô đi trước, bỏ lại mình bạn.

Đúng____ Sai____

8. Bạn luôn có những điều lo lắng trong lòng.

Đúng____ Sai____

9. Bạn thấy khó khăn, ngại ngùng khi phải thể hiện bản thân. Chẳng hạn, bạn không thể hét lên sung sướng trước mặt mọi người chỉ vì bạn đang vui mừng.

Đúng____ Sai____

10. Bạn thường xuyên mâu thuẫn với những người có quyền/người đứng đầu (sếp, bố mẹ,...).

Đúng____ Sai____

11. Bạn thường dùng những từ ngữ/nói những chuyện vui liên quan đến tiểu/đại tiện (ỉa, cứt, đái…).

Đúng____ Sai____

12. “Vòng ba” của nàng/chàng thu hút bạn đến mức ám ảnh. Bạn thích quan hệ tình dục qua đường hậu môn hơn các kiểu khác. 

Đúng____ Sai____

13. Bạn thường bị mọi người chê bai vì keo kiệt, bủn xỉn tiền bạc, tình cảm, thể hiện cảm xúc.

Đúng____ Sai____

14. Bạn có xu hướng ám ảnh về sự ngăn nắp và sạch sẽ. 

Đúng____ Sai____

15. Bạn rất sợ khi thấy người khác/mình giận dữ.

Đúng____ Sai____

16. Bạn tìm mọi cách để tránh gây mâu thuẫn với người khác.

Đúng____ Sai____

17. Bạn thấy có lỗi khi từ chối người khác việc gì.

Đúng____ Sai____

18. Bạn thường tránh chối từ trực tiếp, mà thường không từ chối một cách gián tiếp, khôn khéo. 

Đúng____ Sai____

19. Thỉnh thoảng bạn nổi khùng và mất kiểm soát trong lời nói và hành vi của mình.

Đúng____ Sai____

20. Đôi khi bạn phê phán cay nghiệt người khác.

Đúng____ Sai____

21. Bạn thường “bề ngoài thơn thớt nói cười” nhưng khi người ta đi rồi, bạn thường chê bôi, nói xấu họ.

Đúng____ Sai____

22. Khi đạt được thành công, bạn thấy khó có thể tận hưởng hay thậm chí tin vào những gì mình đã đạt được. 

Đúng____ Sai____


Nếu bạn trả lời "đúng" càng nhiều, thì mức độ thiếu hụt/tổn thương của bạn trong giai đoạn từ 9 tháng đến 3 tuổi càng lớn.

Đọc thêm: Tâm lý trẻ em (9 tháng - 3 tuổi)