Sunday, June 29, 2014

Giác ngộ nhờ ý thức phần tối trong mình


Một đặc trưng của huyền học phương Tây là nó lấp đầy trí năng ý thức bằng những khái niệm lý tưởng (ý niệm), chứ không phải là đối diện với bóng âm và thế giới tăm tối (vô thức).

Người ta giác ngộ được không phải nhờ tưởng tượng ra những nhân cách tốt đẹp (phần sáng) mà nhờ ý thức được phần tối trong mình.

Tuy nhiên, người ta không thể chấp nhận được việc phải đối diện với bóng âm và do đó nó không phải là phổ biến.

Filling the conscious mind with ideal conceptions is a characteristic of Western theosophy, but not the confrontation with the shadow and the world of darkness.

One does not become enlightened by imagining figures of light, but by making the darkness conscious.

The later procedure, however, is disagreeable and therefore not popular.

Carl Jung, The Philosophical Tree (1945), Collected Works 13: Alchemical Studies, Paragraph 335

Thursday, June 19, 2014

Đêm tối của linh hồn





Tất cả chúng ta đều có thể là người được khải thị, và đều có trí tuệ tối hậu (chân lý), nếu ánh sáng chói lòa tỏa ra từ ý thức cái tôi không làm lu mờ nó. ... Chính tôi đã từng quan sát thấy trong những trạng thái vô cùng mệt mỏi, khi thể chất tôi thực sự kiệt quệ đến mức nguy ngập, thì đột nhiên tôi được khải thị trí tuệ tối hậu (chân lý).

We could all be mediums, and all have absolute knowledge, if the bright light of our ego consciousness would not dim it. ... I have myself observed that in states of extreme fatigue, when I am really dangerously physically exhausted, I suddenly get absolute knowledge. 

Maria-Louise von Franz 

"Đêm tối của linh hồn đến ngay trước khi người ta được khải thị. Khi tất cả đã mất, và mọi thứ dường như đều tăm tối, thì cuộc đời lại mở sang trang mới và đó là tất cả những gì người ta cần." 

“The dark night of the soul comes just before revelation. When everything is lost, and all seems darkness, then comes the new life and all that is needed.”

Joseph Campbell, “A Joseph Campbell Companion: Reflections on the Art of Living" 

* * * 
Thuật ngữ "đêm tối của linh hồn" là tên một bài thơ và bài bình luận của thánh Gioan Thánh Giá (Saint John of the Cross), nhà thơ Tây Ban Nha thế kỷ 16, nhà thần bí Thiên Chúa giáo. Bài thơ này thuật lại cuộc hành trình của linh hồn từ ngôi nhà thể xác tới sự hợp nhất với Thượng đế. Hành trình này được gọi là "đêm tối", bởi vì bóng tối tượng trưng cho sự gian khó mà linh hồn phải trải qua khi tách biệt khỏi thế giới và vươn tới ánh sáng hợp nhất với Đấng tạo hóa. Nội dung chính của bài thơ là về những kinh nghiệm đau thương mà người ta phải chịu đựng khi họ mong muốn vươn tới sự trưởng thành tâm linh và hợp nhất với Thượng đế. Bài thơ được chia ra làm hai khúc để phản ánh hai giai đoạn của đêm tối. Giai đoạn đầu là để thanh tẩy các giác quan. Giai đoạn sau, căng thẳng hơn, là để thanh tẩy tinh thần. Bài thơ nói về mười thang bậc đi tới tình yêu huyền nhiệm (hợp nhất với chúa Jesus), từng được thánh Thomas Aquinas miêu tả, cũng như Aristotle đề cập một phần. Bài thơ được viết vào khoảng năm 1578 - 1579, khi thánh Gioan bị những tu sĩ dòng Cát Minh (Cammelite) giam cầm, bởi họ phản đối kêu gọi cải cách của ông.

* * *

"Đêm tối của linh hồn" chính là cách nói đầy biểu tượng cho thời kỳ "khủng hoảng tâm linh". Về bản chất, nó chính là "cơn khóc than vật vã của cái tôi" nhỏ bé khi bị định mệnh "giáng đòn". Trên hành trình tiến hóa tâm linh, ai rồi cũng phải kinh qua khúc đoạn trường ấy. Rải rác trong văn chương tâm linh tôn giáo mọi thời đại đều có ghi lại hiện tượng này. Ta có thể điểm qua một số tác phẩm kinh điển để thấy nét đồng dị.

Trong Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita), trước cảnh "huynh đệ tương tàn", Ajuna cảm thấy hết sức chán chường, suy sụp, thì chàng được thần Krishna, trong vai người đánh xe ngựa giảng giải cho tri thức tối hậu về sự bất tử của linh hồn...

Gióp hoảng sợ khi Thượng đế cho ông thoáng nhìn thấy địa ngục - Tranh William Blake 

Trong Sách Gióp (Book of Job), trước cảnh mất mát người thân, lại bị bệnh tật hành hạ khổ sở, Gióp mới được Thiên Chúa khải thị cho ông biết sức mạnh quyền uy của Ngài.... 

Trong Lời bộc bach (Confession), vào những năm cuối đời, Lev Tolstoy, đại văn hào nước Nga cảm thấy hoài nghi tất cả... Ông kết luận rằng cuộc đời hết sức vô nghĩa, không ít lần ông từ nghĩ tới cái chết... 

Trong Sức mạnh hiện tiền phi thời gian (The power of Now), Eckhart Tolle, bậc thầy tâm linh nổi tiếng hiện nay có miêu tả lại đêm trước khi giác ngộ, ông cảm thấy trong lòng hết sức trỗng rỗng, và đầy bức bối đến mức ông muốn tự tử...

* * *

Trước đêm tối, cái tôi độc tài kiêu căng tự mãn bao nhiêu, thì sau đêm tối, nó như quả bóng bị xẹp hơi, thu mình về bé nhỏ, khiêm tốn bấy nhiêu. Bởi tới khi đó nó biết mảnh đất mà nó toàn trị (tức ý thức) hóa ra chỉ là một ốc đảo trước một đại dương mênh mông bao la (tức vô thức) và Tự ngã (được biểu hiện ra thành Thượng đế toàn năng toàn tri) mới thực sự là chủ nhân ông đích thực.  

Tuesday, June 17, 2014

Chứng rối loạn ái kỷ*


Mỗi đứa trẻ đều cần được yêu thương vô điều kiện – ít nhất là trong những năm đầu đời. Không có ánh mắt đồng cảm, không phán xét của bố mẹ người thân, đứa trẻ sẽ chẳng có cách nào để nhận diện được bản thân. Mỗi người chúng ta đều cần là một cái ta (we, ngô bối) trước khi trở thành một cái tôi (I, ngô). Chúng ta cần một gương mặt đồng cảm để phản ánh lại tất cả mọi phương diện của mình. Chúng ta cần thấy rằng mình là “vàng bạc châu báu” của cha mẹ, mình có giá trị, mình được trân trọng, và con người mình về phương diện nào cũng được yêu thương, chấp nhận. Chúng ta cũng cần biết rằng mình có thể nương tựa vào tình yêu thương của bố mẹ người thân. Đây là những nhu cầu ái kỷ lành mạnh. Nếu không được đáp ứng đầy đủ, thì ý thức về tự thân của ta sẽ bị ảnh hưởng. 


Khi đến tuổi trưởng thành, đứa trẻ khao khát tình yêu thương bên trong ta sẽ gây rắc rối với nỗi khát khao luôn luôn được yêu thương, được quan tâm săn sóc và dành tình cảm trìu mến. Nhu cầu trẻ con này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, bởi vì cho dù người khác có nhiều tình yêu thương đến bao nhiêu đi nữa, thì nó cũng không bao giờ đủ đối với những người có thời thơ ấu bị thiếu hụt tình yêu thương. Họ không thể nào lấp đầy được những khát khao của mình, bởi thực ra đó là những nhu cầu của trẻ con. Và trẻ con thì luôn luôn cần cha mẹ có mặt ở bên. Một cách tự nhiên chứ không phải cố tình, chúng đã không tự tin, luôn cần được vỗ về, yêu thương, quan tâm của bố mẹ. Nhu cầu của con trẻ vốn mang tính phụ thuộc, tức là, phải nhờ vào người khác để được đáp ứng nhu cầu. Chỉ khi nào người ta giải tỏa được nỗi đau thiếu hụt, mất mát này thì người ta mới có được một tâm hồn lành mạnh. Chừng nào điều này còn chưa được thực hiện, thì chừng đó đứa trẻ khát khao vô độ trọng họ sẽ vẫn không ngừng tìm kiếm tình yêu thương và sự trân trọng mà họ đã không nhận được thời thơ ấu.



Nhu cầu, khao khát của người có tuổi thơ thiếu hụt tình yêu thương thể hiện ra ở nhiều dạng khác nhau:
  • Họ lần lượt thất vọng về hầu hết các mối quan hệ của mình.
  • Họ luôn tìm kiếm một người yêu hoàn hảo, người sẽ đáp ứng được tất cả các nhu cầu của họ.
  • Họ nghiện ngập. (Nghiện ngập là nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong tâm thức. Tình dục và tình yêu là những ví dụ điển hình.)
  • Họ tìm kiếm sự giàu có về vật chất, những thứ sẽ đem lại cho họ cảm giác có giá trị, sự tự tin.
  • Họ trở thành người làm nghề biểu diễn (diễn viên và vận động viên) bởi vì họ cần sự khen ngợi và sự ngưỡng mộ không ngừng từ phía khán giả.
  • Họ dùng chính con cái để đáp ứng cho những nhu cầu ái kỷ của mình. (Trong huyễn tưởng của họ, con cái sẽ không bao giờ rời họ và sẽ luôn yêu thương, tôn trọng và ngưỡng mộ họ.) Họ cố gắng có được tình yêu và sự ngưỡng mộ đặc biệt từ con cái mình, thứ mà họ không thể có được từ chính cha mẹ mình.
John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

(*) Rối loạn ái kỷ, nguyên văn tiếng Anh là Narcissistic Disorders. "Ái kỷ" là một từ Hán Việt, nghĩa là "tự yêu mình".

Wednesday, June 11, 2014

Khái niệm "Bóng âm" của Carl Jung




Bóng âm, hay cái tôi ẩn khuất (shadow). Những phương diện vô thức hay ẩn tàng của con người, gồm cả cái xấu lẫn cái tốt, mà cái tôi ức chế (repressed) cũng như không bao giờ công nhận. (Xem thêm mục từ “ức chế”.)

Bóng âm là một nan đề đạo đức thách thức toàn bộ nhân cách cái tôi (ego-personality), bởi không ai có thể nhận thức được bóng âm mà lại không cần có nỗ lực đạo đức đáng kể. Để nhận thức được [sự tồn tại của] nó, người ta cần phải công nhận rằng những phương diện còn ẩn khuất trong nhân cách đang có mặt và có thực. ["The Shadow," CW 9ii, par. 14.]

Trước khi những nội dung vô thức được phân biệt rõ ràng, thì trên thực tế bóng âm bao gồm toàn bộ vô thức. Thông thường trong những giấc mơ, nó được nhân cách hóa thành những người có cùng giới tính với người nằm mơ.

Đa phần thì bóng âm được hình thành từ những khát khao bị ức chế, những xung năng chưa được khai hóa, những động cơ hèn hạ, những ảo tưởng ngây thơ và những uất ức… - tất cả những điều mà người ta chẳng lấy gì làm tự hào. Thường thì những đặc điểm cá nhân không được thừa nhận này sẽ được nhận thấy nơi người khác thông qua cơ chế phóng chiếu (the mechanism of projection).

Dù với tuệ giác (insight) và thiện ý, người ta có thể chuyển hoá phần nào bóng âm vào trong nhân cách ý thức, kinh nghiệm chỉ ra rằng tồn tại những nét cá tính phản kháng cực kì ngoan cố với sự kiểm soát về mặt đạo đức (moral control) và tỏ ra gần như không thể tác động tới. Sự kháng cự này thường gắn bó chặt chẽ với cơ chế phóng chiếu, đây là điều người ta không nhận ra, còn nhận ra được chúng thì là một thành tựu đạo đức phi thường. Trong khi một vài nét tiêu biểu cho bóng âm có thể được nhận diện không mấy khó khăn như là phẩm chất cá nhân, trong trường hợp này cả tuệ giác lẫn thiện ý đều không hiệu quả, bởi vì cội nguồn của cảm xúc, vượt lên mọi khả năng nghi ngờ, có vẻ như lại nằm ở tha nhân.

Bộ mặt giả (persona) ngăn cản việc nhận diện bóng âm. Chúng ta đồng hóa với một cái mặt nạ tươi sáng đến mức độ nào, thì bóng âm cũng tối tăm tương ứng. Do đó, giữa bóng âm và mặt nạ tồn tại một mối quan hệ bổ sung lẫn nhau, và sự mâu thuẫn giữa chúng luôn luôn hiện hữu khi chứng nhiễu tâm (neurosis) bộc phát. Chứng trầm uất (depression) đặc trưng vào những thời điểm như thế cho thấy nhu cầu nhận thức: người ta không phải hoàn toàn là con người mà họ thể hiện ra bên ngoài hay ao ước trở thành.

Nói chung không có kỹ thuật hữu hiệu nào để chuyển hóa bóng âm. Đúng hơn, nó giống như thuật ngoại giao hay thuật trị nước và nó luôn là một vấn đề cá nhân. Đầu tiên người ta phải chấp nhận và coi trọng sự tồn tại của bóng âm. Thứ hai, người phải nhận diện được tính chất và ý định của nó. Điều này chỉ có được khi người ta chú ý tới tâm trạng, huyễn tưởng và xung năng của mình. Thứ ba, một tiến trình thương lượng lâu dài là điều không thể tránh khỏi.


Quả thực, với ý thức, đối diện với bóng âm là điều cần thiết trong trị liệu, là tiền đề đầu tiên của bất cứ phương pháp tâm lý thấu đáo nào. Cuối cùng thì điều này phải dẫn tới sự hoà giải, ngay cả khi ban đầu sự hoà giải này chỉ là một cuộc xung đột còn bỏ ngỏ, và thông thường sẽ còn như vậy trong một khoảng thời gian dài. Đó có một cuộc đấu tranh tư tưởng không thể thủ tiêu bằng giải pháp của lý trí... Cuộc đấu tranh sẽ kết thúc khi cả hai bên đều đã mệt nhoài, kiệt sức. Kết quả có như thế nào thì chẳng bao giờ có thể biết trước được. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn là cả hai bên sẽ thay đổi.

Tiến trình thỏa hiệp với tha nhân trong chính ta này cũng đáng để làm, bởi vì qua đó ta sẽ biết được những phương diện trong bản chất của mình mà ta không để cho bất kỳ ai chỉ ra, mà hẳn ta cũng sẽ không bao giờ thừa nhận.

Việc chịu trách nhiệm cho bóng âm lại tuỳ thuộc vào [quyết định của] cái tôi. Đó là lý do vì sao bóng âm lại là một nan đề đạo đức. Nhận ra hình hài của nó ra sao, và ta có thể làm gì, là một chuyện. Nhưng quyết định xem ta có thể bộc lộ ra, hay sống chung với cái gì, lại là một chuyện khác.

Ban đầu, đối diện với bóng âm tạo ra một sự cực kỳ lưỡng lự, một sự bế tắc cản trở những quyết định mang tính đạo đức và làm cho mọi lời buộc tội đều trở nên vô hiệu hay thậm chí bất khả. Mọi thứ bỗng trở nên đầy đáng ngờ.

Tuy nhiên, bóng âm không chỉ là bộ mặt ẩn khuất đằng sau đầy tối tăm của nhân cách. Nó còn gồm cả những bản năng, năng lực, phẩm chất đạo đức tích cực đã bị đào sâu chôn chặt từ lâu hoặc chưa bao giờ được nhận diện.

Bóng âm chỉ là có phần thấp kém, nguyên thủy, kém thích nghi, vụng về, ngượng nghịu; chứ không hẳn vốn toàn là tệ hại, xấu xa. Thậm chí, nó còn gồm cả những phẩm chất ngây thơ hay nguyên thủy, những thứ mà, theo một cách nào đó, đem lại sức sống và tô điểm cho cuộc nhân sinh - nhưng thường lại bị tục lệ xã hội cấm đoán!  

Từ trước đến nay người ta vẫn tin rằng bóng âm (shadow) là cội nguồn của mọi cái ác, giờ đây dựa trên sự thẩm tra một cách sâu sắc, kỹ càng hơn, ta có thể khẳng định rằng con người vô thức, tức bóng âm của hắn, không chỉ bao gồm những khuynh hướng đáng lên trên phương diện đạo đức, mà còn biểu lộ vô số phẩm chất tốt đẹp, chẳng hạn như bản năng thông thường, phản ứng thích đáng, sáng suốt thực tế, thôi thúc sáng tạo,...

Sự bùng phát của chứng nhiễu tâm hợp thành cả hai mặt của bóng âm: những phẩm chất và hoạt động mà người ta vốn chẳng lấy gì làm tự hào, và những tiềm năng mà người ta chưa từng biết là chúng tồn tại.

Jung chia ra thành hai dạng bóng âm: bóng âm cá nhân và bóng âm tập thể hay bóng âm mẫu tượng (archetypal shadow).

Với một chút khả năng tự suy xét, người ta có thể nhìn thấu bóng âm, trong chừng mực nó còn mang tính cá nhân. Nhưng một khi nó ở dưới dạng mẫu tượng, người ta sẽ gặp phải những khó khăn tương tự như khi đối diện với ẩn nữ (anima) và ẩn nam (animus). Nói cách khác, việc nhận diện cái ác tương đối trong bản chất của mình vẫn còn nằm trong giới hạn của khả năng con người, nhưng việc đối diện với bộ mặt của cái ác tuyệt đối thường lại là một kinh nghiệm hy hữu và gây choáng váng.


Nguồn: David Sharp - Jung's Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Friday, June 6, 2014

Chúng ta là cội nguồn của tất cả mầm mống cái ác


Chúng ta cần hiểu biết nhiều hơn về bản chất con người, bởi vì mối hiểm nguy đích thực duy nhất tồn tại chính là con người.

Y là mối hiểm nguy vĩ đại.

Và đáng tiếc là chúng ta không nhận thức được điều đó. 
Chúng ta chẳng biết gì nhiều về con người... quá ít ỏi.

Tâm thức y nên được nghiên cứu - bởi vì chúng ta là cội nguồn của tất cả mầm mống cái ác. 


We need more understanding of human nature, because the only real danger that exists is man himself.

He is the great danger.

And we are pitifully unaware of it. We know nothing of man … far too little.

His psyche should be studied — because we are the origin of all coming evil.

Carl Jung, Interview with John Freeman, Face to Face, 1959