Tuesday, June 17, 2014

Chứng rối loạn ái kỷ*


Mỗi đứa trẻ đều cần được yêu thương vô điều kiện – ít nhất là trong những năm đầu đời. Không có ánh mắt đồng cảm, không phán xét của bố mẹ người thân, đứa trẻ sẽ chẳng có cách nào để nhận diện được bản thân. Mỗi người chúng ta đều cần là một cái ta (we, ngô bối) trước khi trở thành một cái tôi (I, ngô). Chúng ta cần một gương mặt đồng cảm để phản ánh lại tất cả mọi phương diện của mình. Chúng ta cần thấy rằng mình là “vàng bạc châu báu” của cha mẹ, mình có giá trị, mình được trân trọng, và con người mình về phương diện nào cũng được yêu thương, chấp nhận. Chúng ta cũng cần biết rằng mình có thể nương tựa vào tình yêu thương của bố mẹ người thân. Đây là những nhu cầu ái kỷ lành mạnh. Nếu không được đáp ứng đầy đủ, thì ý thức về tự thân của ta sẽ bị ảnh hưởng. 


Khi đến tuổi trưởng thành, đứa trẻ khao khát tình yêu thương bên trong ta sẽ gây rắc rối với nỗi khát khao luôn luôn được yêu thương, được quan tâm săn sóc và dành tình cảm trìu mến. Nhu cầu trẻ con này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, bởi vì cho dù người khác có nhiều tình yêu thương đến bao nhiêu đi nữa, thì nó cũng không bao giờ đủ đối với những người có thời thơ ấu bị thiếu hụt tình yêu thương. Họ không thể nào lấp đầy được những khát khao của mình, bởi thực ra đó là những nhu cầu của trẻ con. Và trẻ con thì luôn luôn cần cha mẹ có mặt ở bên. Một cách tự nhiên chứ không phải cố tình, chúng đã không tự tin, luôn cần được vỗ về, yêu thương, quan tâm của bố mẹ. Nhu cầu của con trẻ vốn mang tính phụ thuộc, tức là, phải nhờ vào người khác để được đáp ứng nhu cầu. Chỉ khi nào người ta giải tỏa được nỗi đau thiếu hụt, mất mát này thì người ta mới có được một tâm hồn lành mạnh. Chừng nào điều này còn chưa được thực hiện, thì chừng đó đứa trẻ khát khao vô độ trọng họ sẽ vẫn không ngừng tìm kiếm tình yêu thương và sự trân trọng mà họ đã không nhận được thời thơ ấu.



Nhu cầu, khao khát của người có tuổi thơ thiếu hụt tình yêu thương thể hiện ra ở nhiều dạng khác nhau:
  • Họ lần lượt thất vọng về hầu hết các mối quan hệ của mình.
  • Họ luôn tìm kiếm một người yêu hoàn hảo, người sẽ đáp ứng được tất cả các nhu cầu của họ.
  • Họ nghiện ngập. (Nghiện ngập là nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong tâm thức. Tình dục và tình yêu là những ví dụ điển hình.)
  • Họ tìm kiếm sự giàu có về vật chất, những thứ sẽ đem lại cho họ cảm giác có giá trị, sự tự tin.
  • Họ trở thành người làm nghề biểu diễn (diễn viên và vận động viên) bởi vì họ cần sự khen ngợi và sự ngưỡng mộ không ngừng từ phía khán giả.
  • Họ dùng chính con cái để đáp ứng cho những nhu cầu ái kỷ của mình. (Trong huyễn tưởng của họ, con cái sẽ không bao giờ rời họ và sẽ luôn yêu thương, tôn trọng và ngưỡng mộ họ.) Họ cố gắng có được tình yêu và sự ngưỡng mộ đặc biệt từ con cái mình, thứ mà họ không thể có được từ chính cha mẹ mình.
John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

(*) Rối loạn ái kỷ, nguyên văn tiếng Anh là Narcissistic Disorders. "Ái kỷ" là một từ Hán Việt, nghĩa là "tự yêu mình".

3 comments:

  1. Bạn có lời khuyên nào dành cho những người bị rối loạn ái kỷ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người đó cần quay trở lại những ký ức thiểu hụt/tổn thương để giải tỏa (grief), rồi từ đó chữa lành phần nào các vết thương đó. Nếu quan tâm chi tiết cách tự làm thì bạn có thể đọc cuốn sách Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child của John Bradshaw.

      Theo tớ, song song với trị liệu, có thể kết hợp với thực hành sống chánh niệm, tỉnh giác để đưa năng lượng từ bi tới xoa dịu, hàn gắn, lấp đầy thì kết quả sẽ tốt hơn, nhanh hơn. Xem bài: 3 cách chuyển hóa đau khổ. http://vietpsychotherapy.blogspot.com/search/label/ch%C3%A1nh%20ni%E1%BB%87m

      Delete
  2. Mình từng có 5/6 biểu hiện đc nêu, nó khiến cuộc sống của mình bi quan, nặng nề, phụ thuộc vào sự yêu thương/ tung hô của ng khác, từ đó gây ra áp lực ko đáng có. Giờ thì mình đã thoát ra rồi nhưng lại bị cái khác *cười khổ*

    ReplyDelete