Wednesday, July 23, 2014

Khái niệm "vô thức tập thể" của Jung



Vô thức tập thể. Một tầng cấu trúc của tâm thức con người chứa đựng những yếu tố di truyền, hoàn toàn khác biệt so với vô thức cá nhân. (Xem thêm khái niệm nguyên mẫu và hình ảnh nguyên mẫu.)

Vô thức tập thể bao gồm toàn thể di sản tâm linh từ sự tiến hóa của nhân loại, tái sinh trong cấu trúc não bộ mỗi cá nhân.

Jung xây dựng lên lý thuyết vô thức tập thể từ sự đồng thời xuất hiện khắp nơi (ubiquity) của hiện tượng tâm lý mà không thể giải thích trên nền tảng của kinh nghiệm cá nhân. Hoạt động huyễn tưởng vô thức rơi vào hai phạm trù sau: Thứ nhất, những huyễn tưởng (bao gồm cả giấc mơ) mang một đặc tính cá nhân nào đó, không nghi ngờ gì là sự hồi tưởng lại từ kinh nghiệm cá nhân, từ những sự việc đã bị quên lãng hay bị ức chế và do đó, hoàn toàn có thể giải thích được bằng ký ức cá nhân. Thứ hai, huyễn tưởng (bao gồm cả giấc mơ) mang đặc tính phi cá nhân mà ta không thể quy giản chúng thành kinh nghiệm trong quá khứ của cá nhân, và do đó không thể giải thích là một cái gì đó được thủ đắc một cách cá nhân. Không nghi ngờ gì, những huyễn tưởng này có sự tương đồng gần gũi nhất với các thể loại thần thoại (1)… Những trường hợp này nhiều đến mức mà ta buộc phải đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một tầng tâm thức tập thể. Tôi gọi nó là vô thức tập thể. [The Psychology of the Child Archetype," CW 9i, par. 262.] 

Vô thức tập thể - trong chừng mực mà ta có thể nói chút gì đó về nó - tỏ ra chứa đựng mô-típ thần thoại hay ảnh tượng nguyên thủy, đó là lý do tại sao thần thoại của các dân tộc đều là những kẻ dẫn giải đích thực cho vô thức. Thực ra, toàn bộ các thần thoại có thể được coi như là một dạng phóng chiếu của vô thức tập thể… Do đó, chúng ta có thể nghiên cứu vô thức tập thể theo hai cách, bằng huyền thoại và bằng phân tích cá nhân. ["The Structure of the Psyche," CW 8, par. 325.]

Ta càng nhận diện được nhiều nội dung vô thức cá nhân bao nhiêu, thì tầng ảnh tượng và mô-típ đầy phong phú trong vô thức tập thể càng được hiển lộ nhiều bấy nhiêu. Hệ quả là nhân cách ta được mở rộng. Theo cách này, một cảm thức không còn bị tù túng trong thế giới cá nhân, quá mẫn cảm và nhỏ nhen, mà ung dung tự tại dự phần vào một thế giới rộng lớn hơn của những mối quan tâm khách quan, sẽ sinh khởi. Cảm thức rộng mở này không còn là tập hợp của những mong muốn, sợ hãi, hy vọng và tham cầu cá nhân đầy ích kỷ, hay tự ái nữa, những cái vẫn luôn được bù đắp hay điều chỉnh bằng những khuynh hướng đối nghịch trong vô thức; thay vào đó, cảm thức mới này là một chức năng của mối tương giao với thế giới sự vật, dẫn cá nhân vào sự hòa nhập không thể chia cắt, keo sơn và tuyệt đối với thế giới nói chung. [The Function of the Unconscious," CW 7, par. 275.]

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Collective unconscious
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, July 21, 2014

Ý nghĩa tượng trưng của đá



“Dụng công trên bề mặt viên đá là nỗ lực để thấu cảm năng lượng bên trong nó.”
“Mỗi viên đá đều được phú bẩm một ký ức lịch sử và địa chất riêng.”
“Đá đỏ vì trong nó chứa chất sắt, cũng như máu người vậy.” 

“Working the surface of a stone is an attempt to understand the internal energy of the stone.”
“A stone is ingrained with geological and historical memories.”
“The reason why the stone is red is its iron content, which is also why our blood is red.”

Andy Goldsworth


Đá tượng trưng cho một cái gì đó trường cửu, không thể mất đi hay tan vỡ, một cái gì đó vĩnh hằng mà có người so sánh với kinh nghiệm huyền nhiệm về Thượng đế ngự trong chính linh hồn con người.

Nó tượng trưng cho trải nghiệm có lẽ là thâm sâu và thuần phác nhất, trải nghiệm về cái gì đó vĩnh hằng mà con người có thể có trong những khoảng khắc này, khi anh ta thấy mình bất tử và bất khả biến. 

The stone symbolized something permanent that can never be lost or dissolved, something eternal that some have compared to the mystical experience of God within one’s own soul.

It symbolizes what is perhaps the simplest and deepest experience, the experience of something eternal that man can have in those moments when he feels immortal and unalterable.

Carl Jung, Man and his Symbols

Friday, July 18, 2014

Cá nhân & xã hội


Hy vọng duy nhất cho nhân loại nằm ở sự chuyển hóa của mỗi cá nhân. 

Krishnamurti

Sự cải cách của cá nhân tự động sẽ dẫn tới sự cải cách của xã hội.

Self-reform automatically brings about social reform.

Sự giác ngộ (thực chứng tự ngã) của mỗi người chính là sự phục vụ cao cả nhất mà ta có thể làm cho thế giới.

Our own self-realization is the greatest service we can render the world.

Ramana Maharshi

Monday, July 14, 2014

Chứng hung hãn


Chúng ta thường nghĩ rằng tất cả những người có tuổi thơ thiếu hụt hay tổn thương đều dễ mến, trầm lặng và thụ động chịu đựng. Nhưng thực ra, họ chính là những người phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra biết bao bạo lực và tội ác trên thế giới này. Khi còn nhỏ, Hitler thường xuyên bị đánh đập. Người cha thích hành hạ khiến ông ta cảm thấy bẽ bàng, tủi nhục và tự ti. Chính bản thân cha ông cũng là đứa con ngoài giá thú của một địa chủ người Do thái. Hilter đã tái lặp lại (reenact) hình thức cực đoan nhất của sự tàn ác đó lên hàng triệu con người vô tội. 


Tôi chợt nhớ tới một thân chủ của mình, Dawson. Khi cậu ta tìm đến tôi vì những rắc rối trong hôn nhân, công việc của cậu này là nhân viên an ninh ở hộp đêm. Cậu ta kể, hồi tuần trước, đã đấm vỡ quai hàm một gã. Cậu ta rất hào hứng khi miêu rả lại việc gã đó đã khiến anh cảm thấy “ngứa mắt”, muốn đập cho một trận như thế nào. Gã tỏ ra “cứng đầu”, ương ngạnh và cứ lởn vởn xung quanh để khiêu khích, chọc tức Dawson. Trong thời gian tham vấn với tôi, cậu ta thường xuyên nói chuyện theo kiểu như vậy. Những kẻ hung hãn chẳng bao giờ chịu trách nhiệm cho hành vi của họ.

Khi chúng tôi làm việc với nhau, thì hóa ra là: Dawson hay cảm thấy sợ hãi. Khi cậu ta cảm thấy như vậy, ký ức từ thời thơ ấu lại ùa về: cha cậu đã từng dùng đòn roi đánh đập, mắng chửi cậu ra sao. Mỗi khi cha “nổi cơn tam bành”, cậu ta đều run rẩy sợ hãi. thật chẳng an tâm chút nào khi phải sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi như vậy. Vậy nên Dawson đã đồng hóa với cái tôi của người cha. Cậu ta trở thành cha mình. Khi bất cứ điều gì gợi nhớ lại những hình ảnh bị bạo hành thời thơ ấu xuất hiện, nó gợi lại cảm giác sợ hãi và bất lực từ hồi đó, và thế là Dawson biến thành người cha hung hãn, reo rắc cho người khác cũng chính vết thương mà cha cậu đã gây ra cho cậu.

Chứng hung hãn (offender behavior), nguồn gốc chính của mọi sự hủy hoại mà con người gây ra, là kết quả của nạn bạo hành thời thơ ấu và những tổn thương dai dẳng không được hóa giải. Đứa trẻ bị tổn thương, mất mát ngày nào lại trở thành kẻ hung hãn khi trưởng thành. Để có thể hiểu được điều này, chúng ta phải thấy ra rằng rất nhiều kiểu bạo hành trẻ em đã biến chúng thành những kẻ hung hãn. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp bị bạo hành về thân thể, về tình dục, hay những hành hạ về mặt cảm xúc. Nhà tâm thần học Bruno Bettelheim đã gọi tiến trình này là “đồng hóa với người hành hung” Bạo hành về mặt tình dục, thân thể và cảm xúc khiến đứa trẻ kinh hãi đến mức mà chúng không thể giữ vững tính cá nhân của mình khi bị bạo hành. Để có thể sống sót qua nỗi đau, đứa trẻ phải đánh mất đi tất cả ý thức về căn tính của mình và đồng hóa với người hành hung. Bettelheim tiến hành cuộc nghiên cứu chủ yếu với những nạn nhân trại tập trung Đức Quốc Xã.

Gần đây trong mội buổi hội thảo của tôi, một nhà trị liệu đến từ New York đã giơ tay, xin đứng dậy để kể câu chuyện của mình. Cô tự nhận mình là người Do thái và kể cho chúng tôi nghe những điều khủng khiếp mà mẹ cô đã trải qua trong trại tập trung Phát-xít. Điểm nổi bật nhất trong câu chuyện là việc mẹ cô hành xử với cô y như cách tên quản ngục Phát-xít đã hành xử với bà. Bà mẹ đã tát và chửi cô là con lợn Do thái khi cô mới được 3 tuổi.

Có lẽ nhức nhối hơn cả là những kẻ lạm dụng tình dục. Thường thì, khi còn nhỏ chính họ cũng đã bị bạo hành tình dục. Khi lạm dụng trẻ em, họ tái lặp lại các hành vi lạm dụng mà họ đã phải trải qua thời thơ ấu. 

Tuy hầu hết hành vi hung hãn đều bắt nguồn từ thời thơ ấu, nhưng không phải lúc nào nó cũng là hệ quả của sự bạo hành hay lạm dụng. Một số kẻ hung hãn là do hồi nhỏ từng được bố nuông chiều quá mức, dẫn tới hư hỏng. Lũ trẻ ấy tin rằng chúng xứng đáng được mọi người đối xử đặc biệt và chúng chẳng làm gì sai trái cả. Chúng mất hết ý thức trách nhiệm, luôn nghĩ rằng vấn đề của chúng do lỗi của người khác.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, July 8, 2014

Chứng lụy thuộc


Tôi định nghĩa lụy thuộc (co-dependence) (1) là một nỗi bất an (dis-ease) (2) khi người ta đánh mất đi chính mình, hay ý thức về tính cá nhân của mình. Ở trong tình trạng lụy thuộc có nghĩa là người ta không còn biết cảm xúc của mình ra sao, thực sự mình mong muốn và khát khao cái gì. Ta hãy thử xem xét một số ví dụ sau đây: Pervilia nghe bạn trai cô kể về những căng thẳng trong công việc của anh. Đêm đó về nhà, cô không thể ngủ được bởi nỗi bồn chồn, bứt rứt về rắc rối của bạn trai. Cô cảm nhận được cảm xúc của anh ấy còn rõ hơn cảm xúc của chính cô. 

Khi Maxmillian kết thúc mối tình sáu tháng với cô bạn gái, anh ta như muốn tự tử. Anh ta tin rằng giá trị con người mình hoàn toàn phụ thuộc vào tình yêu của cô bạn gái dành cho mình. Sâu thẳm trong tâm hồn, thật ra Maximillian chẳng hề coi bản thân mình ra gì. Giá trị con người anh ta đến từ người khác, phụ thuộc vào người khác mà có.

Khi chồng Jolisha hỏi xem liệu cô có thích đi chơi vào buổi tối hôm đó không, cô không đưa ra câu trả lời rõ ràng rồi cuối cùng cũng đồng ý, Anh ta hỏi xem cô muốn đi đâu, cô nói việc đó không quan trọng. Anh đưa cô tới ăn ở Viking Barbecue Stand và sau đó đi xem phim The Return of the Ax Murderer. Cô ý không thích toàn bộ buổi tối hôm đó. Cô tỏ ra gắt gỏng và xa lánh anh trong suốt một tuần. Khi chồng hỏi, “Có chuyện gì thế em?” thì cô lại trả lời: “Không, chẳng có chuyện gì cả!” 

Jolisha là một người rất dễ thương. Khi được hỏi, mọi người đều nói tốt về cô. Thực ra, cô chỉ đang giả vờ là người dễ thương. Cô liên tục “diễn” trong cuộc sống của mình. Đối với Jolisha, tỏ ra dễ thương là một cái tôi giả tạo (a false self). Cô khộng biết mình thực sự mong muốn hay khát khao điều gì. Cô không nhận thức được đâu là con người thực của mình.

Jacobi năm nay 52 tuổi. Ông tìm đến tham vấn bởi vì ông đã ngoại tình với cô thư ký riêng, năm nay 26 tuổi trong hai tháng qua. Jacobi nói với tôi rằng ông không hiểu tại sao điều này lại xảy ra! Ông là người địa vị trong nhà thờ và là một thành viên của Ủy ban giữ gìn đạo đức. Ông dẫn đầu cuộc chiến xóa bỏ sách báo khiêu dâm ở thành phố mình. Thực ra, Jacobi đang đeo mặt nạ đạo đức giả. Ông hoàn toàn không nhận diện được ham muốn tình dục của mình. Sau nhiều năm bị ông chủ động ức chế, ham muốn tình dục đã nổi dậy kiểm soát lại ông.

Biscayne luôn cảm thấy có vấn đề với cân nặng của bà vợ. Ông hạn chế hầu hết các mối giao lưu xã hội bởi vì ông cảm thấy rất xấu hổ khi bạn bè nhìn thấy vợ ông. Biscayne không biết đâu là ranh giới tâm lý để phân biệt được đâu là con người mình, đầu là bà vợ. Ông tin rằng danh dự của ông sẽ bị người khác đánh giá thông qua vẻ bề ngoài của bà vợ. Bigello, một người đồng nghiệp của ông, có một cô tình nhân. Theo định kỳ ông này đưa bạn gái lên bàn cân để chắc rằng cân nặng cô ta không thay đổi. Bigello là một ví dụ khác về một người không có ý thức về một cái tôi cá nhân độc lập. Ông tin rằng danh dự của mình phụ thuộc vào cân nặng của tình nhân. 

Ophelia Oliphant yêu cầu chồng cô mua một chiếc ô-tô Mercedes. Cô cũng kiên quyết tiếp tục làm thành viên của câu lạc bộ River Valley Country. Gia đình là Oliphants đang ngập chìm trong nợ nần. Họ sống hết sức tằn tiện, dè xẻn từng ngày. Họ bỏ ra rất nhiều công sức để khất lần với các chủ nợ, để bắt chước theo hình ảnh giai cấp thượng lưu giàu có. Ophelia tin rằng sự tự tin, giá trị của con người cô phụ thuộc vào việc duy trì một hình ảnh thích hợp. Cô không có ý thức về một cái tôi độc lập.

Trong tất cả những câu chuyện kể trên chúng đều thấy rằng những người lụy thuộc vào một cái gì đó bên ngoài bản thân họ để được là chính mình, để có một bản sắc, căn tính riêng. Đây là những ví dụ điển hình về sự bất an của chứng lụy thuộc.

Chứng lụy thuộc được dung dưỡng trong những gia đình không có đời sống tinh thần êm ấm, lành mạnh. Chẳng hạn, mọi thành viên trong gia đình có người nghiện rượu cũng sẽ bị lụy thuộc vào thói uống rượu của người này. Bởi chứng nghiện rượu quá đe dọa tới đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, họ thích ứng [với hoàn cảnh này] bằng một lối sống thận trọng, đề cao cảnh giác trong một khoảng thời gian dài. Trong bản tính tự nhiên của con người, thích ứng với căng thẳng được dự kiến là một trạng thái nhất thời, nó chưa bao giờ được dự kiến là sẽ tiếp diễn lâu dài cả. Qua thời gian, một người sống với sự căng thẳng lâu dài thói nghiện rượu không còn khả năng nhận biết được nội tâm của chính mình, anh ta không còn biết rõ các cảm giác, mong muốn và khát khao của mình nữa.

Trẻ em cần có những mẫu hình cảm xúc an toàn và lành mạnh để hiểu được những dấu hiệu từ nội tâm mình. Chúng cũng cần được giúp đỡ để có thể tách biệt được đâu là suy nghĩ và đâu là cảm xúc. Khi môi trường gia đình tràn ngập bạo lực (do chất kích thích, về mặt cảm xúc, thân thể hay tình dục), đứa trẻ phải đưa toàn bộ sự chú ý hướng ra bên ngoài. Qua thời gian, nó mất đi khả năng tạo dựng sự tự tin từ bên trong mình. Không có một đời sống nội tâm lành mạnh, người ta sẽ bị đầy ải trong lối sống cố gắng tìm kiếm thỏa mãn, khoái lạc từ bên ngoài. Đấy là sự lụy thuộc, và đó là triệu chứng của những người có tuổi thơ bị tổn thương, mất mát (wounded inner child). Hành vi lụy thuộc cho thấy rằng những nhu cầu thời thơ ấu đã không được đáp ứng, và do đó người ta không thể biết mình là ai. 

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch



Chú thích:

1. Tiền tố “co-” thường có nghĩa là “cùng” (with) hoặc “đồng” (together). Vì vậy “co-dependence” thường được dịch là “đồng phụ thuộc”. Tuy nhiên, theo từ điển Oxford, từ này có nghĩa là: “sự phụ thuộc về mặt tâm lý và tình cảm quá mức vào người bạn đời, thường là những người bị bệnh tật hay nghiện ngập cần được trợ giúp” (excessive emotional or psychological reliance on a partner, typically one with an illness or addiction who requires support). Thế nên, từ này nên được dịch là “lệ thuộc” hay “lụy thuộc” thì hợp lý hơn.

2. “Dis-ease” là cách chơi chữ của tác giả với từ “disease”, vốn có nghĩa là “bệnh tật”. Tiền tố “dis-” vốn có nghĩa là không, còn “ease” có nghĩa là “thảnh thơi”. Ở đây, có lẽ tác giá muốn nói “lụy thuộc” vừa là một nỗi bất an, vừa là một căn bệnh. 

Sunday, July 6, 2014

Khái niệm "tâm hồn" của Jung


Tâm hồn (Soul). Một mặc/phức cảm chức năng trong tâm thức. (Xem thêm mục từ Eros, Logos và soul-image.)



Khi Jung thường sử dụng từ “tâm hồn” theo sắc thái ý nghĩa thần học truyền thống, ông rất nghiêm cẩn giới hạn sắc thái ý nghĩa tâm lý của từ này.

Trong khi nghiên cứu tìm hiểu cấu trúc vô thức, tôi đã buộc phải phân biệt về mặt khái niệm giữa “tâm hồn” và “tâm thức” (psyche). Tôi hiểu “tâm thức” như là tổng thể tất cả những quá trình tâm lý, ý thức cũng như vô thức. Mặt khác, tôi hiểu “tâm hồn” như là một mặc/phức cảm chức năng được phân định rõ ràng, có lẽ “nhân cách” (personality) là từ hay nhất để diễn tả nó. [Definitions," CW 6, par. 797]

Với cách hiểu như vậy, Jung phác thảo phần nào những biểu hiện của tâm hồn qua các thuật ngữ linh âm (anima)/linh dương (anumus) và mặt nạ (persona). Trong những trước tác sau này về đề tài chuyển dịch, được bổ trợ bằng những nghiên cứu về tiến trình luyện kim – Jung thấy nó tương đồng về mặt tâm lý với tiến trình trưởng thành – ông đã nói chi tiết hơn [về khái niệm này]. 

Khi hướng về phía ý thức tự thân (ego-consciousness) trong tiến trình trưởng thành, “tâm hồn” mang tính nữ nơi người nam và mang tính nam nơi người nữ. Linh âm thì muốn người nam hòa giải và hợp nhất; linh âm thì muốn người nữ nhận thức và biện biệt (phân biệt).

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Soul
Đỗ Hoàng Tùng dịch