Saturday, August 30, 2014

Chứng tư duy lệnh lạc


Jean Piaget, nhà tâm lý học phát triển vĩ đại gọi trẻ em là “những người ngoài hành tinh về mặt nhận thức.” Chúng không tư duy giống như người trưởng thành. Trẻ con là những kẻ cực đoan. Tính chất cực đoan trong lối tư duy của trẻ con được biểu hiện ra qua lối tư duy lưỡng cực: được hoặc mất, có hoặc không, trắng hoặc đen. Nếu bạn không yêu tôi, thì bạn ghét tôi. Không có gì trung dung, ở giữa. Nếu cha bỏ rơi tôi, thì tất cả đàn ông cũng sẽ bỏ rơi tôi.

Lối tư duy của trẻ con mang tính phi luận lý. Điều này được thể hiện ra trong cái được gọi là “lý luận cảm tính.” Tôi cảm thấy như này, do đó nó phải như vậy. Nếu tôi cảm thấy tội lỗi, thì tôi hẳn là con người tệ hại, vô giá trị.

Trẻ em cần có những hình mẫu lành mạnh để biết cách tách biệt suy nghĩ ra khỏi cảm xúc - để “nghĩ” về tình cảm và để “cảm” về suy nghĩ. 

Trẻ em tư duy theo hướng vị kỷ (egocentrically). Điều này được thể hiện ra trong lối tư duy liên hệ mọi sự đến cá nhân chúng. Nếu người cha không có thời gian cho đứa con, điều đó nghĩa là đứa con không được tốt, không được ngoan. Trẻ em diễn giải phần lớn những sự lạm dụng, bạo hành theo cách này. Tính vị kỷ là tình trạng tự nhiên của thời thơ ấu, chứ không có nghĩa là tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa xét trên phương diện đạo đức. Trẻ em không thực sự có khả năng xem xét vấn đề dưới quan điểm của người khác.

Khi những nhu cầu tình cảm của trẻ em trong giai đoạn đầu đời không được đáp ứng đầy đủ, thì khi lớn lên, lối tư duy trẻ con sẽ gây hại cho chúng. Tôi thường thấy những người [được gọi là] trưởng thành tư duy theo lối như vậy. “Nước Mỹ phải hay trái” là một ví dụ điển hình cho lối tư duy cực đoan này.

Tôi biết vài người gặp rắc rối nghiêm trọng về tài chính bởi vì lối tư duy theo cảm tính. Họ nghĩ rằng việc thích/ muốn cái gì là đủ lý do để mua nó. Khi trẻ em không được học cách tách biệt giữa tư duy và cảm xúc, thì khi trưởng thành, chúng thường dùng suy nghĩ như là một cách để né tránh những cảm xúc đau khổ. Chúng sẽ tách biệt đầu óc với trái tim, lý trí với tình cảm, như vậy đấy. Hai dạng thường gặp của chứng tư duy lệch lạc là thói “hay khái quát” (universalizing, đại ngôn) và thói “hay để ý đến tiểu tiết” (detailing, vụn vặt).

Tư duy “khái quát” tự nó không phải là một dạng tư duy lệnh lạc. Tất cả các ngành khoa học trừu tượng đều đòi hỏi chúng ta phải biết cách khái quát và tư duy trừu tượng. Tư duy ”khái quát” chỉ trở nên méo mó, lệch lạc khi chúng ta sử dụng nó để đánh lạc hướng sự chú ý của mình, để không phải đối diện với những nỗi buồn phiền vốn có trong mình. Có nhiều người có tài năng học thuật nhưng lại không thể xoay xở nổi trong đời sống hằng ngày.

Tư duy tiêu cực (awfulizing, chuyện bé xé ra to) là một dạng tư duy khái quát đích thực. Chúng ta tư duy tiêu cực khi chúng ta đưa ra những giải thiết không thực tế về tương lai. “Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống an sinh xã hội không còn tiền khi tôi về hưu?” là một suy nghĩ tiêu cực. Chính việc nghĩ về điều đó sẽ kích động nỗi sợ hãi. Bởi suy nghĩ này không phải là thực tế mà thuần túy chỉ là giả thuyết. Những người có tuổi thơ bị tổn thương thường xuyên nghĩ theo lối này. 

Cũng như với lối tư duy khái quát, lối tư duy chi tiết có thể là một năng lực trí tuệ quan trọng. Chẳng có gì sai khi người ta tư duy chi tiết và thấu đáo cả. Nhưng khi đi vào tiểu tiết được dùng để đánh lạc hướng người ta khỏi những cảm xúc đau khổ, thì nó bóp méo thực tế đời sống. Tính cầu toàn là một ví dụ điển hình của lối tư duy này - chúng ta trở nên ám ảnh bởi các thứ tủn mủn, vụn vặt như là một cách để lảng tránh những cảm giác bất toại nguyện trong mình. Bạn sẽ thấy những ví dụ minh họa cho lối tư duy "lấy mình làm trung tâm" ở khắp mọi nơi một khi bạn để ý đến chúng. Gần đây tôi nghe lỏm được cuộc đối thoại của một cặp nam nữ trên máy bay. Người phụ nữ đang đưa mắt nhìn vào tạp chí du lịch. Cô ta vô tư bình phẩm rằng cô vẫn luôn muốn đi Úc. Nghe thấy vậy, người đàn ông nổi cạu lên đáp, “Cô còn mong đợi cái quái gì ở tôi nữa? Tôi đang phải vắt kiệt sức vì công việc đây!” Đứa trẻ tổn thương bên trong anh ta tin rằng người kia đang phê phán anh ta là kẻ không chu cấp đủ tài chính chỉ bởi vì cô ta thích đi Úc. 

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, August 26, 2014

Con người ta cần có gian nan...


Thái độ mới mẻ [mà người ta] thụ đắc được trong quá trình phân tâm, không sớm thì muộn, cũng sẽ có xu hướng trở nên bất hợp lý theo cách này hay cách khác, và nhất định là phải như thế, bởi vì dòng chảy của cuộc đời luôn luôn đòi hỏi sự thích ứng mới mẻ. Sự thích ứng không bao giờ đạt được chỉ trong một lần duy nhất…

Cuối cùng thì, có lẽ rất ít khả năng có một phương pháp trị liệu nào lại chối bỏ mọi khó khăn.

Con người ta cần có những gian nan, thử thách; chúng thiết yếu cho sự lành mạnh của họ.

Điều đáng quan ngại ở đây chỉ là [người ta] có quá nhiều khó khăn. 

The new attitude gained in the course of analysis tends sooner or later to become inadequate in one way or another, and necessarily so, because the flow of life again and again demands fresh adaptation. Adaptation is never achieved once and for all.…

In the last resort it is highly improbable that there could ever be a therapy which got rid of all difficulties.

Man needs difficulties; they are necessary for health.

What concerns us here is only an excessive amount of them.

C.G. Jung, Collected Works 9 - The Transcendent Function

Monday, August 25, 2014

Chứng thích kiểm soát


Khi người chăm sóc [cho trẻ những năm đầu đời] không đáng tin cậy, trẻ sẽ có cảm giác bị bội tín sâu sắc. Thế giới [bên ngoài] dường như là một nơi chốn đầy nguy hiểm, thù địch, và bất trắc. Thế nên, trẻ phải luôn đề phòng cảnh giác và kiểm soát. Nó tin rằng, “Nếu ta kiểm soát mọi thứ, thì không ai có thể làm ta bất ngờ và hãm hại ta.”

[Và thế là] thói quen thích kiểm soát xuất hiện: kiểm soát trở thành nghiện ngập. Một thân chủ của tôi có quá nhiều nỗi sợ mất kiểm soát đến mức mà anh ta làm việc tới 100 giờ một tuần. Anh ta không thể giao phó cho ai việc gì bởi vì anh ta không tin tưởng người khác, Anh ta tìm đến tôi khi mà bệnh viêm loét đại tràng trầm trọng đến mức phải nhập viện.

Một thân chủ khác của tôi đã bị hoảng loạn, quẫn trí khi chồng cô ta đệ đơn ly hôn ra tòa. Anh ta than vãn rằng cho dù anh ta có cố gắng làm gì cho cô ta, thì nó cũng không bao giờ được coi là ổn. Cô ta luôn “sửa lại” những gì anh ta đã làm. Nói cách khác, cô ta sẽ không cảm thấy thoải mái trừ khi cô ta kiểm soát được tất cả mọi thứ.

Chứng thích kiểm soát gây ra căng thẳng trong các mối quan hệ. Bạn sẽ chẳng thể nào gần gũi, gắn bó với ai đó khi người ta không tin tưởng bạn. Một mối quan hệ gần gũi, gắn bó đòi hòi cả hai phải chấp nhận con người của nhau.

Rối loạn lòng tin cũng sinh ra những thái độ cực đoan. Người ta có thể từ bỏ mọi sự kiểm soát và tin tưởng người khác một cách đầy hồn nhiên, ngây thơ, bám chặt lấy người kia và dành quá nhiều tình cảm cho họ. Hoặc người ta sẽ thu mình trong ốc đảo đơn độc, dựng lên những tường cao hào sâu, để không ai có thể bước vào.

Như chuyên gia về nghiện ngập Patrick Carnes đã chỉ ra, những người chưa biết cách tin cậy thường không phân biệt được đâu là ranh giới [tình cảm quá] mãnh liệt với thân thiết, quá quan tâm với chăm sóc, quá kiểm soát với an toàn.

Nhiệm vụ số một của trẻ trong giai đoạn đầu đời là xây dựng được lòng tin cậy [vào con người và cuộc sống]. Chúng ta cần phải biết rằng người khác (cha mẹ, thế giới bên ngoài) là an toàn và đáng tin cậy. Lòng tin cậy này là một cảm xúc tổng hòa sâu sắc. Nếu chúng ta có thể tin tưởng cuộc sống, thì chúng ta mới có thể biết cách tin vào chính mình. Tự tin có nghĩa là bạn tin tưởng vào năng lực, nhận thức, diễn giải, cảm xúc của mình.

Trẻ em học cách tin tưởng từ sự đáng tin cậy của người chăm sóc, đưa nôi mình. Nếu cha mẹ là những người ôn tồn, điềm tĩnh, không xốc nổi, đồng bóng, nếu cha mẹ tin tưởng vào chính mình, thì trẻ sẽ tin tưởng họ và học cách tin tưởng mình.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Friday, August 22, 2014

Vòng xoáy luân hồi

Khi tổn thương thời thơ ấu "tái phát" trong mối quan hệ với người khác


Để hiểu được đứa trẻ trong ta (inner child) đã biểu lộ ra những khát khao thời thơ ấu chưa được đáp ứng như thế nào, chúng ta cần phải biết rằng động lực căn bản trong đời sống của con người là cảm xúc. Cảm xúc chính là nguồn nhiên liệu giúp ta phòng vệ và đáp ứng những nhu cầu căn bản. (Tôi thích viết chữ emotion - cảm xúc thành e-motion, tức là viết tắt của energy - năng lượng, và in motion - đang chuyển động.) Nguồn năng lượng này là nền tảng, gốc rễ. Giận dữ thúc đẩy ta bảo vệ bản thân. Khi giận dữ, ta đứng phắt dậy, nổi cơn tam bành. Với sự giận dữ, ta bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi của mình. 



Sợ hãi khiến ta “biến” đi chỗ khác, để khỏi phải đương đầu với hiểm nguy. Sợ hãi giúp ta nhận biết, phân biệt. Nó bảo vệ ta bằng cách cho ta biết hiểm nguy đang rình rập và quá sức mình nên không thể “chiến”. Nó hối thúc ta "chuồn lẹ" và tìm nơi ẩn nấp.


Đau khổ khiến ta rơi nước mắt. Nước mắt giúp ta gột sạch những nỗi lòng u uẩn, trầm uất. Với buồn đau, chúng ta giải tỏa những nỗi mất mát và giải phóng hết năng lượng hiện thời. Nếu ta không thể bộc lộ ra nỗi đau khổ của mình, thì ta sẽ không thể nào đoạn tuyệt được với quá khứ. Tất cả năng lượng cảm xúc liên quan tới nỗi trầm cảm hay tổn thương của ta sẽ trở thành bằng giá. Không được bộc lộ và giải tỏa, khối năng lượng này vẫn tiếp tục cố gắng chuyển hóa. Bởi nó không thể được bộc lộ ra trong những cơn đau khổ như thông thường, nên nó đành bộc lộ ra qua những hành vi bất thường. Điều này được gọi là “tái phát" (act out). Câu chuyện của Maggie (vốn là thân chủ của tôi) là một ví dụ minh họa tuyệt vời để bạn hiểu khái niệm này.


Maggie đã chứng kiến cha mình, một kẻ hung hãn và nát rượu, bạo hành mẹ mình. Cảnh tượng này lặp đi lặp lại trong suốt tuổi thơ của cô. Từ năm 14 tuổi trở đi, Maggie đã trở thành người xoa dịu nỗi đau cho mẹ. Sau khi bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bà mẹ liền lên giường nằm với Maggie. Bà mẹ run rẩy khóc lóc, bấu víu lấy cô con gái. Đôi khi người cha còn đánh đuổi theo và gào thét vào người vợ. Điều này khiến Maggie sợ hãi, run rẩy. Bất cứ hành vi bạo lực nào với một người trong gia đình cũng gây kinh hãi cho những người khác. Người chứng kiến bạo lực cũng chính là nạn nhân của bạo lực. Đáng ra Maggie cần được bộc lộ ra nỗi sợ và giải tỏa nỗi buồn trong lòng. Nhưng chẳng có một ai để cô bé chẳng thể tìm tới, để được ôm ấp vỗ về, xua tan đi nỗi đau không thể diễn tả thành lời của mình. Đến khi trưởng thành, cô không ngừng cố gắng tìm tới những người có thể đóng vai ông bố bà mẹ ôm ấp vỗ về cho cô. Khi Maggie tìm đến tôi, cô đã trải qua hai cuộc hôn nhân [đau khổ vì] bạo hành và nhiều mối quan hệ có yếu tố bạo hành khác. Và cô ý làm nghề gì bạn biết không? Maggie là nhà tham vấn chuyên về phụ nữ bị bạo hành và lạm dụng!

Những tổn thương trong thời thơ ấu của Maggie đã "tái phát". Cô chăm sóc những phụ nữ bị bạo hành và bước vào mối quan hệ tình cảm với những người đàn ông vũ phu. Cô chăm sóc họ, nhưng không ai chăm sóc cô. Năng lượng cảm xúc được bộc lộ ra theo cách duy nhất mà nó có thể - bằng cách "tái phát."

“Tái phát”, hay tái lặp lại (reenact), là một trong những cách tai hại nhất mà qua đó “đứa trẻ trong ta” hủy hoại cuộc đời ta. Câu chuyện của Maggie là một minh họa điển hình của sự thôi thúc không ngừng lặp lại quá khứ. “Biết đâu lần này mình có thể làm cho mọi thứ ổn thỏa.” đứa trẻ tổn thương trong lòng nàng nói. “Có lẽ nếu mình hoàn hảo và làm vui lòng cha, thì cha sẽ trân trọng, yêu thương mình.” Đây chính là lối tư duy ngây thơ, luôn tin tưởng vào phép màu của trẻ con, không phải lối tư duy lý tính của người lớn. Một khi ta đã hiểu điều này, ta mới thấy nó hợp lý. Một vài ví dụ khác của lối hành xử “tái  là:
  • Lặp lại hành vi bạo lực với người khác
  • Làm những việc mà vốn đã tự dặn với lòng mình là sẽ không bao giờ làm như thế với con cái 
  • Đột nhiên giận dữ, hờn dỗi trước những tình huống gợi lại tổn thương trong quá khứ
  • Cố chấp với những nguyên tắc lý tưởng của cha mẹ mình. 


Khi tổn thương thời thơ ấu "tái phát" trong chính mình

"Tái phát" trong chính mình (act in) có nghĩa là tái lặp lại những tổn thương trong quá khứ với chính mình. Chúng ta tự trừng phạt bản thân đúng theo cách đã bị trừng phạt thời thơ ấu. Tôi quen một người tự hành hạ mình mỗi khi anh ta mắc sai lầm. Anh ta tự dằn vặt mình bằng những lời chỉ trích, chẳng hạn như: “Mày dốt lắm! Sao mày có thể ngu như thế chứ?” Có đôi lần tôi thấy anh ta tự đánh vào mặt mình (khi còn nhỏ, anh ta thường bị mẹ tát vào mặt). Những cảm xúc trong quá khứ chưa được giải tỏa thường quay trở lại với chính người bị hại. Chẳng hạn trường hợp của Joe, khi còn nhỏ, anh ta chưa bao giờ được phép bộc lộ sự tức giận. Anh ta cực kỳ oán hận mẹ mình bởi bà ta chưa bao giờ để cho anh ta tự mình làm việc gì cả, Ngay khi anh ta bắt đầu một việc, bà ta sẽ nhảy xổ vào và nói những câu đại loại như “Mẹ cần phải giúp cậu con trai bé bỏng của mẹ.” hay “Con làm được đấy, nhưng để mẹ giúp con một tay nhé!” Ngay cả đến bây giờ, khi đã trưởng thành, Joe vẫn để cho mẹ làm mọi việc mà anh ta có thể tự làm. Joe được bà mẹ dạy phải nhất mực nghe lời và sự giận dữ ra mặt là một tội lỗi. Kết quả là, anh ta cảm thấy chán chường, lãnh cảm, mặc cảm, và không thể đạt được những điều mình muốn theo đuổi trong đời. Khối năng lượng cảm xúc “tái phát” trong chính mình có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng về thể chất như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau lưng, đau cổ, đau nhức cứng cơ, viêm khớp, hen suyễn, trụy tim và ung thư. Dễ bị vấp ngã, chấn thương cũng là một dạng “tự tái diễn”. Người ta tự trừng phạt mình bằng những vụ tai nạn.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, August 18, 2014

Trị liệu bằng yêu thương


Về cốt lõi thì phân tâm học là một phương pháp trị liệu bằng tình yêu thương.

Psychoanalysis is in essence a cure through love. 

Sigmund Freud 
(trong một bức thư gửi cho Carl Jung)

Tuesday, August 5, 2014

Niềm tin vào phép màu



Trẻ con thường tin vào những phép màu. Đó là niềm tin rằng một lời nói, cử chỉ hay hành động nào đó có thể thay đổi được thực tại. Những ông bố bà mẹ tâm lý bất ổn thường thúc đẩy lối suy nghĩ này ở con cái họ. Chẳng hạn, nếu bạn nói với trẻ rằng hành vi của chúng trực tiếp chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ai đó, bạn đang dạy trẻ tin tưởng vào phép màu. Một số cách nói kiểu như: “Mày đang giết mẹ mày đấy!”, “Hãy xem mày đã làm gì - mẹ mày đang rất bực mình đấy!”. “Mày đã thấy sung sướng chưa - mày làm cho bố mày nổi giận rồi đấy!” Hay cách nói “Tao biết mày đang nghĩ gì.” cũng củng cố niềm tin vào phép màu. Tôi nhớ có một nữ thân chủ đến tuổi 32 đã kết hôn tới năm lần. Cô ý nghĩ rằng hôn nhân sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề. Nếu cô ý có thể tìm được người đàn ông của cuộc đời mình, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Niềm tin kiểu như thế là niềm tin vào phép màu. Nó ngụ ý rằng một vài sự kiện hay con người nào đó có thể thay đổi toàn bộ đời sống mà cô ý không hề phải bỏ chút công sức nào để thay đổi bản thân.

Trẻ con tin tưởng vào phép màu là điều rất tự nhiên. Nhưng nếu đứa trẻ bị tổn thương do không được đáp ứng những nhu cầu tâm lý tình cảm, nó sẽ không thực sự trưởng thành. Con người trưởng thành của nó sau này vẫn còn ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ tin tưởng phép màu của trẻ con. 

Một số những niềm tin vào phép màu khác là:

  • Nếu tôi có tiền, tôi sẽ ổn thôi. 
  • Nếu người yêu/vợ/chồng bỏ tôi đi, tôi sẽ chết mất hay tôi sẽ không thể chịu đựng nổi. 
  • Kiếm được mảnh bằng cấp sẽ khiến tôi thông minh hơn. 
  • Nếu tôi chăm chỉ làm lụng, cuộc sống sẽ tưởng thưởng cho tôi. 
  • Chờ đợi sẽ đem đến kết quả tuyệt vời. 
Người ta dạy các cô bé những câu chuyện cổ tích đầy rẫy những phép màu. Cô bé lọ lem được dạy rằng phải chờ ở trong bếp chàng trai mang đúng chiếc giầy! Bạch Tuyết nhận được thông điệp rằng nếu nàng chờ đủ lâu, hoàng tử sẽ đến. Theo nghĩa đen, câu chuyện đó bảo với phụ nữ rằng định mệnh của họ phụ thuộc vào việc chờ đợi một kẻ ái thây (necrophile: kẻ thích hôn người chết) tình cờ đi qua khu rừng vào đúng thời điểm. Quả không phải là một viễn cảnh hay ho cho lắm! 


Qua những câu chuyện cổ tích, người ta dạy các cậu bé mong đợi vào phép màu. Nhiều câu chuyện chuyên chở thông điệp rằng có một người phụ nữ dành riêng cho họ, người mà họ phải tìm kiếm và sẽ thấy. Trong hành trình tìm kiếm, anh ta sẽ phải lưu lạc phương xa, băng qua rừng tối, chiến thắng những con rồng đáng sợ và nguy hiểm. Cuối cùng anh ta sẽ nhận ra, mà không chút hồ nghi, khi anh ta tìm thấy người con gái của cuộc đời mình. (Đó là lý do vì sao rất nhiều người đàn ông quá đỗi hồi hộp khi đứng trong thánh đường nhà thờ.) Thường thì định mệnh của đàn ông sẽ bị quyết định bởi những yếu tố bí ẩn như hạt đậu thần kỳ hay thanh gươm huyền diệu. Thậm chí anh ta có thể hẹn hò với một con ếch. Nếu anh ta có đủ dũng cảm để hôn nó, thì nó sẽ biến thành một nàng công chúa. (Phụ nữ cũng có phiên bản câu chuyện con ếch của riêng họ.) 

Đối với phụ nữ, phép màu có nghĩa là chờ đợi người đàn ông của cuộc đời mình, đối với đàn ông, thì đó là cuộc hành trình bất tận để đi tìm người phụ nử của cuộc đời mình. Tôi hiểu chuyện cổ tích có ý nghĩa trên bình diện huyền thoại và biểu tượng. Chúng không hợp lý, và, giống như các giấc mơ, chúng bộc lộ qua những hình ảnh. Rất nhiều chuyện cổ tích là những lời bày tỏ thông qua biểu tượng cho sự nhận ra bản chất giới tính. Khi quá trình trưởng thành diễn ra êm đẹp, rút cục người ta sẽ bỏ qua cách hiểu nghĩa đen của trẻ con để nhận ra ý nghĩa tượng trưng của chúng. Nhưng khi tâm hồn trẻ thơ trong con người ta bị tổn thương, nó sẽ tiếp tục coi những câu chuyện này là thực. Là người trưởng thành có tuổi thơ bị tổn thương, với niềm tin vào phép màu, người ta thường chờ đợi và/hoặc tìm kiếm một kết cục hoàn mỹ, nơi họ sẽ sống trong hạnh phúc mãi mãi.

John Bradshaw, Homecoming: Reclaiming and Championing Your Inner Child
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Monday, August 4, 2014

Khái niệm "Tự ngã" của Jung




Tự ngã (Self). Nguyên mẫu của sự toàn vẹn, hòa hợp (wholeness) và trung tâm vận hành của tâm thức; một thế lực siêu việt cá nhân vượt lên trên cái tôi (ego). 

Với tư cách là một khái niệm thực nghiệm, tự ngã biểu thị toàn thể phạm trù các hiện tượng tâm lý nơi con người. Nó thể hiện sự thống nhất của nhân cách như là một toàn thể. Nhưng khi xét đến nhân cách toàn thể, bởi thành phần vô thức của tự ngã chỉ có thể được ý thức phần nào, nên khái niệm này chỉ tiềm năng thực nghiệm phần nào đó và phần nào đó, làm một giả thuyết. Nói cách khác, nó bao hàm cả cái khả tri lẫn cái bất khả tri (hay cái vị khả tri: cái còn chưa được kinh nghiệm)... Nó là một khái niệm siêu nghiệm bởi nó ước đoán sự tồn tại của những yếu tố vô thức dựa trên những nền tảng thực nghiệm và từ đó nêu lên đặc trưng của một thực thể mà chỉ có thể miêu tả phần nào. ["Definitions," CW 6, par. 789.] 

Tự ngã không chỉ là trung tâm, mà còn là toàn bộ ngoại vi, tức bao hàm cả ý thức lẫn vô thức, nó là trung tâm của tổng thể này, cũng giống như cái tôi là trung tâm của ý thức. ["Introduction," CW 12, par. 44.] 


Giống như bất cứ nguyên mẫu nào khác, yếu tính của tự ngã là bất khả tri, nhưng những biểu hiện của nó lại chính là nội dung của thần thoại và huyền thoại. Tự ngã xuất hiện trong những giấc mơ, thần thoại và trong chuyện cổ tích, nó thủ vai những nhân cách phi thường, như đấng quân vương, người anh hùng, nhà tiên tri, đấng cứu thế… hay trong dạng biểu tượng tổng thể, như hình tròn, hình vuông, hình tròn chia thành bốn phần (quadratura circuli - như hình minh họa trên đây), chữ thập… Khi biểu tượng cho sự hợp nhất của các mặt đối lập (complexio oppositorum), tự ngã có thể xuất hiện như một lưõng cực hợp nhất, chẳng hạn như Đạo, trong sự tương tác giữa dương và âm, hay những người anh em thù địch hay người anh hùng và nghịch cảnh (kẻ thù không đội trời chung, rồng), Faust và Mephistopheles… Do đó, dựa trên kinh nghiệm ta thấy tự ngã xuất hiện như một vở kịch của ánh sáng và bóng tối, dù được thể hiện như một tổng thể và hợp nhất trong đó những mặt đối lập hòa hợp.

Sự nhận thức tự ngã là một yếu tổ tâm lý độc lập thường được củng cố bởi sự trỗi dậy bùng phát của những nội dung vô thức mà cái tôi không thể nào kiểm soát. Điều này có thể dẫn tới chứng nhiễu tâm và sự đổi mới trong nhân cách sau đó, hoặc dẫn tới sự đồng hóa mang tính thổng phồng với thế lực lớn hơn.

Cái tôi không thể nào không nhận ra sự hợp lưu của những nội dung vô thức đã đem đến sức sống, bồi đắp cho nhân cách, và tạo nên nét cá tinh mà bằng cách nào đó, khiến cho cái tôi trở nên bé nhỏ cả về tầm ảnh hưởng lẫn sức mạnh… Theo lẽ tự nhiên, ở những tình huống như thế này, [trong tâm hồn người ta] sẽ xuất hiện cám dỗ cực lớn nhằm theo đuổi tham vọng quyền lực và đồng hóa toàn bộ cái tôi với tự ngã, để duy trì ảo tưởng về sự kiểm soát của cái tôi… [Nhưng] tự ngã chỉ có ý nghĩa chức năng khí nó có thể tiến hành bù đắp cho vùng ý thức của cái tôi (ego-consciousness). Nếu cái tôi tan biến trong sự đồng hóa với tự ngã, nó sẽ tạo ra một tên siêu nhân mông muội có cái tôi kiêu căng tự mãn. [On the Nature of the Psyche," CW 8, par. 430.]


Những kinh nghiệm về tự ngã có đặc tính huyền dụ (numinosity) (1) của khải thị tôn giáo. Do đó Jung tin rằng không có sự khác biệt về bản chất giữa cái tôi như là một sự thực về mặt tâm lý, thực nghiệm và khái niệm truyền thống về một đấng tối cao. 



Có lẽ cũng có thể nó là “Thượng đế ngự bên trong chúng ta.” [The Mana-Personality," CW 7, par. 399.] 

Daryl Sharp, Jung Lexicon, Self 
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Chú thích:

1. Huyền dụ (numinosity): Cảm xúc vừa kinh hoàng vừa say sưa kỳ diệu trước những thực tại cao cả, lớn lao, hoàn toàn xa lạ và khác biệt, nhưng cũng lại thân gần và đẹm lại ý nghĩa thâm sâu cho đời sống... (Theo Lưu Hồng Khanh, Tâm lý học chuyên sâu)