Thursday, September 18, 2014

Chứng trầm cảm, chán chường, lãnh đạm


Với chứng trầm cảm dạng nhẹ nhưng dai dẳng, biểu hiện của nó là cảm giác trống rỗng vô nghĩa, đứa trẻ bị tổn thương bên trong tâm hồn cũng ảnh hưởng không tốt tới đời sống trưởng thành sau này. Trầm cảm là kết quả của việc phải chấp nhận cái tôi giả tạo, rời bỏ cái tôi chân thực của đứa trẻ [trong thời thơ ấu]. Chính sự bỏ rơi cái tôi chân thực này dẫn tới một cảm giác trống rỗng bên trong [tâm hồn]. Tôi thường gọi nó là hiện tượng “có lỗ hổng trong tâm hồn”. Khi một người đánh mất cái tôi chân thực, anh ta đánh mất sợi dây liên lạc với những cảm xúc, nhu cầu, khát khao chân thực của mình. Thay vào đó, những gì anh ta trải nghiệm là những cảm xúc mà cái tôi giả tạo đòi hỏi. Chẳng hạn, “dễ thương” là một thành tố phổ biến của cái tôi giả tạo. Một người phụ nữ dễ thương không bao giờ thể hiện ra cơn giận dữ hay nỗi ấm ức của mình. Sống với cái tôi giả tạo là lối sống “diễn kịch”. Cái tôi chân thực của họ chưa bao giờ được hiện diện. Một người trong quá trình phục hồi miêu tả nó như thế này: “Nó giống như tôi đang bên lề, nhìn cuộc đời trôi đi vậy.’ 

"Cảm thấy trống rỗng" là một dạng trầm cảm kinh niên, bởi người ta vẫn luôn than khóc cho cái tôi chân thực của mình. Tất cả những người có quá khứ bị tổn thương, thiếu hụt tình cảm đều trải qua những cơn trầm cảm dai dẳng nhẹ nhàng ở một mức độ nào đó. “Trống rỗng” ở đây cũng có nghĩa là cảm thấy vô cảm. Trong vai trò nhà tâm lý, tôi thường nghe thân chủ dạng này than vãn rằng dường như cuộc đời họ đầy buồn tẻ và vô nghĩa. Họ thấy có một cái gì đó thiếu vắng trong cuộc đời mình, và không hiểu tại sao người khác lại quá hào hứng, sôi nổi với mọi chuyện đến vậy.

Marion Woodman, cây đại thụ trong làng phân tích tâm lý theo trường phái Jung, từng kể câu chuyện về một người phụ nữ đến để được nhìn thấy Giáo hoàng khi ngài thăm Toronto. Cô ta mang theo một lô một lốc những máy móc thiết bị chụp hình để cô ta có thể chụp được một bức ảnh Giáo hoàng. Cô ta quá mải mê với những thiêt bị của mình đến mức mà chỉ có thể chụp được một bức khi Ngài đi lướt qua. Cô ta đã bỏ lỡ cơ hội tận mắt mình thấy Giáo hoàng! Khi cô ta chụp bức ảnh, người mà cô muốn được nhìn thấy có mặt ở đó, nhưng cô ta thì không. Cô ta không hiện diện trong giây phút đó, để có thể thực sự trải nghiệm nó. Khi “đứa trẻ trong tâm hồn ta” bị tổn thương, ta cảm thấy trống rỗng và chán chường. Cảm giác cuộc sống có cái gì đó không chân thực. Ta hiện diện ở đó, nhưng ta không thực sự có mặt trong đó. Sự trống rỗng này dẫn tới cảm giác đơn độc. Bởi vì ta chưa bao giờ biết mình thực sự là ai, ta chưa bao giờ được thực sự hiện diện. Và ngay cả nếu người ta ngưỡng mộ và vây quanh, ta vẫn cảm thấy đơn độc. Tôi cảm thấy như vậy trong gần hết cuộc đời mình. Tôi luôn nỗ lực để trở thành lãnh đạo trong bấy cứ nhóm hội nào mà mình tham dự. Người ta luôn bao quanh, ngưỡng mộ và tán dương tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự tương giao với bất cứ ai trong họ. Tôi còn nhớ một buổi tối khi tôi đang giảng dạy ở đại học St. Thomas. Chủ đề của tôi là “cái hiểu của Jaccques Maritain về chủ thuyết cái ác của Thomistic.” Tôi đã nói rất hay và sắc sảo. Nhưng khi tôi bước ra khỏi phòng, đám đông cử tọa đứng dậy vỗ tay hoan nô không ngừng, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác của mình lúc ấy: tôi muốn chấm dứt cảm giác trống rỗng và đơn độc của mình. Tôi muốn tự tử. Kinh nghiệm nảy cũng giải thích được chứng ích kỷ của những người có tuổi thơ bị tổn thương, Họ là những người ích kỷ. Cảm giác trống rỗng của họ giống như một chứng đau răng kinh niên. Khi một người phải chịu đựng một nỗi đau dai dẳng, tất cả những gì người đó có thể nghĩ được chỉ còn là bản thân mình. Trong vai trò nhà trị liệu, người ta thường phát điên khi phải đương đầu với cái tính ích kỷ của những thân chủ như thế. Tôi đã lưu ý với đồng nghiệp rằng tôi đi ra ngoài để hút thuốc, vậy mà vẫn có người đến nói, Tôi có thể xin anh một phút được không?”

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Friday, September 12, 2014

Hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc

Hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc và vũ trụ sẽ mở ra cho bạn
những cánh cửa ở chỗ mà trước đây chỉ toàn là tường chắn. 

"Làm sao để ta tìm thấy năng lực thiêng liêng trong mình? Chữ hăng say (enthusiasm) có nghĩa là "ngập tràn trong sự hiện diện của thánh thần," vậy thì bạn hăng say với cái gì? Hãy đi theo tiếng gọi của nó. Đó là lời khuyên của tôi cho những người trẻ tuổi hỏi tôi, 'Cháu sẽ phải làm gì đây?' Tôi từng dạy ở một trường dự bị cho nam sinh. Đó là thời điểm khó khăn đối với những chàng thiếu niên - hay đã từng như vậy. Họ nói: 'Cháu không biết mọi chuyện rồi sẽ ra sao đây?' - khi họ đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Bạn biết đấy, họ sẽ đi về đâu? Và người ta thấy họ hào hứng. Người này muốn học nghệ thuật, người kia học thơ ca, người khác lại muốn học nhân học. Nhưng người cha lại muốn con học luật, ra trường mới có công ăn việc làm, mới kiếm được tiền. Được thôi, hãy quyết định như thế. Và bạn biết câu trả lời của tôi rồi đấy - bạn hứng thú với cái gì. Tôi thì tôi chỉ có vài lời ngắn gọn thế này thôi: hãy đi theo tiếng gọi của phúc lạc. Chính phúc lạc là sứ điệp mà Thượng đế đã gửi tới cho bạn. Đó mới là nơi cuộc đời bạn nở hoa." 


"How do you find the divine power in yourself? The word enthusiasm means 'filled with a god,' so what makes you enthusiastic? Follow it. That's been my advice to young people who ask me, 'What shall I do?' I taught once in a boys' prep school. That's the moment for young boys––or it used to be; I don't know what's going on now––when they had to decide their life courses. You know, where are they going? And they're caught with excitement. This one wants to study art, this one poetry, this one anthropology. But dad says study law; that's where the money is. OK, that's the decision. And you know what my answer would be––where your enthusiasm is. So I have a little word: follow your bliss. The bliss is the message of God to yourself. That's where your life is."

Joseph Campbell, interviewed by Jeffrey Mishlove ("Thinking Allowed: Understanding Mythology")

Thursday, September 11, 2014

Chứng nghiện ngập và các hành vi vô độ


Đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn là nguyên nhân chính yếu gây ra chứng nghiện ngập và lối sống vô độ. Tôi nát rượu từ thời niên thiếu. Cha tôi, cũng là bợm rượu. Khi tôi còn nhỏ, ông chẳng hề hiện diện cũng như đoái hoài tới tôi. Tôi cảm thấy mình ít giá trị hơn thời gian của ông ý. Bời vì ông ý chưa bao giờ xuất hiện để làm gương về cách cư xử cho tôi, tôi chưa bao giờ gắn bó với ông ý, chưa bao giờ được trải nghiệm tình yêu thương của người cha. Do đó, tôi chưa bao giờ thực sự yêu thương mình như là đàn ông cả.

Thời niên thiếu, tôi chơi với mấy cậu choai choai cũng mồ côi cha [như tôi]. Chúng tôi uống rượu và chơi gái để chứng tỏ rằng bản lĩnh đàn ông. Từ năm 15 đến 30 tuổi, tôi nghiện rượu và ma túy. Ngày 11 tháng 12 năm 1965, tôi ngừng uống rượu. Tôi cai rượu, nhưng lối sống vô độ của tôi vẫn tiếp tục. Tôi hút thuốc lá, làm việc và ăn uống một cách vô độ. 

Tôi không nghi ngờ gì việc tôi nghiện rượu một phần là do gen di truyền. Có vẻ như có nhiều bằng chứng cho rằng chứng nghiện rượu bắt nguồn từ gen. Nhưng yếu tố di truyền không đủ để giải thích chứng nghiện rượu. Nếu đúng thế thì tất cả con cái của những kẻ nát rượu đều trở thành bợm rượu cả. Rõ ràng không phải như vậy. Cả anh và chị tôi đều không nghiện rượu. Tôi đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc với những người nghiện rượu và ma túy, cùng với 15 năm làm việc với thanh thiếu niên lạm dụng ma túy. Chưa bao giờ tôi gặp một người nào chỉ nghiện mỗi rượu thôi cả, dù trên thực tế, có một số chất gây nghiện rất nhanh - tôi đã gặp những thanh thiếu niên trở nên nghiện nặng chỉ trong vòng hai tháng. Yếu tố phổ biến mà tôi luôn luôn tìm thấy là những tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương, thiếu hụt tình cảm. Đó là cội rễ của tất cả các hành vi nghiện ngập/vô độ. Bằng chừng là khi tôi cai được rượu thì tôi lại chuyển sang nghiện cái khác, những thứ giúp tôi thay đổi tâm trạng. Tôi làm việc, ăn uống và hút thuốc vô độ, bởi những nhu cầu không thể thỏa mãn của đứa trẻ bị tổn thương trong tâm hồn tôi. 

Cũng giống như các đứa trẻ trong gia đình có người nghiện ngập, tôi đã bị bỏ rơi, thiếu thốn về mặt tình cảm. Đối với một đứa trẻ, bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết. Để có thể đáp ứng hai nhu cầu sinh tồn căn bản nhất (cha mẹ tôi hoàn toàn bình thường và tôi được họ yêu thương, trân trọng), tôi trở thành người chồng về phương diện cảm xúc đối với mẹ tôi và người cha đối với em trai tôi. Giúp đỡ mẹ và người khác giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tôi được dạy rằng cha tôi rất yêu thương tôi nhưng ông bị ốm đau bệnh tật nên không thể thể hiện ra tình thương đó; và mẹ tôi là một vị thánh nữ. Tất cả những điều này đã che giấu cảm giác mình vô giá trị mà tôi mang trong mình (một dạng mặc cảm tự ti). Cốt lõi tâm hồn tôi là tập hợp của những nhận thức hạn hẹp, những cảm xúc dồn nén, và những niềm tin sai lầm. Chúng trở thành cái “lăng kính” (filter) qua đó tôi diễn giải các kinh nghiệm mới mẻ trong đời. Sự thích ứng những năm đầu đời đó giúp tôi sống sót trong thời thơ ấu, nhưng nó lại là cái “lăng kính” tệ hại ở giai đoạn trưởng thành. Kết cục là đến tuổi 30, tôi phải nhập viện Austin State vào cuối quãng thời gian 17 năm nát rượu.

Quan niệm cho rằng đứa trẻ bị tổn thương bên trong tâm hồn là cốt lõi của các hành vi nghiện ngập/vô độ giúp chúng ta nhận diện nghiện ngập trong một bối cảnh rộng mở hơn nhiều. Nghiện ngập là một mối quan hệ bệnh lý với bất kỳ loại hình thay đổi tâm trạng nào dẫn tới những hệ quả có hại cho sức khỏe. Những chứng nghiện ngập liên quan đến đường tiêu hóa là những thứ gây ra thay đổi tâm trạng mạnh mẽ nhất. Rượu chè, ma túy và thức ăn là những hóa chất vốn có khả năng thay đổi tâm trạng. Nhưng còn có rất nhiều cách khác để thay đổi cảm xúc. Tôi muốn nói đến các dạng nghiện ngập liên quan đến hoạt động, tư duy, cảm xúc và đồ vật.

Những hoạt động gây nghiện bao gồm: làm việc, mua sắm, cờ bạc, tình dục, nghi lễ tôn giáo. Thực ra, bất cứ hoạt động nào cũng có thể được người ta dùng để thay đổi cảm xúc. Hoạt động thay đổi cảm xúc qua sự phân tán [mất tập trung]. “Liên tục suy nghĩ” là một cách rất hiệu quả để tránh né cảm xúc. Tôi đã sống trong cái đầu nhiều năm. Tôi là một giáo sư đại học. Suy nghĩ có thể là một cách để tảng lờ cảm xúc. Tất cả các chứng nghiện ngập đều có yếu tố suy nghĩ, mà người ta vẫn gọi là “ám ảnh”. 

Chính cảm xúc cũng có thể gây nghiện. Trong rất nhiều năm, tôi không ngừng nổi khùng (rageaholic). Giận dữ, thứ hàng rào bảo vệ duy nhất mà tôi biết, che giấu mặc cảm tự ti và tổn thương của tôi. Khi tôi giận dữ, tôi cảm thấy đầy mạnh mẽ và uy quyền, chứ không yếu đuối và bất lực.

Có lẽ ai cũng biết một người sống trong sợ hãi. Người sống trong sợ hãi luôn có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ. Họ lo lắng về những điều nhỏ nhặt và khiến cho người khác bực mình phát điên. Một số người thường xuyên chìm đắm trong cảm giác buồn rầu. Dường như họ không còn mang trong mình nỗi niềm sầu khổ nữa, mà họ đã chính là nó. Bởi đối với họ, sầu khổ chính sự trạng thái hiện hữu của họ.

Những người mà tôi kinh hãi nhất là những người luôn tỏ ra vui vẻ. Họ là những đứa con ngoan trò giỏi luôn gắng gượng nở nụ cười. Cứ như thể nụ cười đóng băng trên khuôn mặt họ. Họ không bao giờ thấy cái gì tệ hại cả. Họ sẽ mỉm cười ngay cả khi thông báo với bạn rằng mẹ họ đã qua đời. Kỳ lạ vậy đó!

Người ta cũng có thể nghiện cả tài sản. Tiền là thứ tài sản gây nghiện phổ biến nhất. Tuy nhiên, bất cứ cái gì cũng có thể trở thành mối ám ảnh và như vậy, là nguồn gốc của sự thay đổi tâm trạng. 

Cho dù yếu tố di truyền có như thế nào, thì cốt lõi của hầu hết các chứng nghiện ngập, là đứa trẻ bị tổn thương thiếu hụt tình cảm bên trong tâm hồn. Nó luôn khát khao, thèm muốn, mà lại không thể thỏa mãn được. Người ta không cần phải mất nhiều thời gian để nhận ra đặc điểm này ở nó.

John Bradshaw, Homecoming
Đỗ Hoàng Tùng dịch