Friday, December 12, 2014

Tại sao một số người trẻ "tôn sùng" Iphone?



Gần đây, báo chí đưa tin doanh số bán Iphone ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới. Thực ra, đây không phải là một thông tin bất ngờ cho những ai thường hay để ý xem những người xung quanh hay dùng loại điện thoại gì. 

Điều đáng băn khoăn là trong số đông đảo tầng lớp thanh niên sử dụng Iphone, có một bộ phận không nhỏ những người có thu nhập từ trung bình đến thấp chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn bằng vài ba tháng lương của họ chỉ để mua một chiếc điện thoại đắt tiền, chỉ để nghe gọi, vào Facebook và chơi game? Bên cạnh những lý giải từ góc độ kinh tế, văn hóa hay nhân khẩu học… ta hãy thử nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính phân tâm học và tâm lý học đám đông. 

Dùng Iphone để... tự tin hơn

Những người trẻ nói trên thường có địa vị thấp trong xã hội, ít khi được người khác nhìn nhận, đánh giá cao và trân trọng, vì thế lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn họ là mặc cảm tự ti, thua kém những người xung quanh.

Khi cầm chiếc Iphone trên tay, đa số mọi người đều có cảm giác sung sướng và tự tin hơn hẳn. Bởi chiếc Iphone, với hình dáng tuyệt đẹp và chức năng sử dụng tiện lợi, vốn đã trở thành “biểu tượng về đẳng cấp” của thời đại công nghệ. Cái lý lẽ cho việc sử hữu chiếc điện thoại này rất đơn giản: vì nó có giá trị trong trong mắt người đời, nên khi nó là của tôi, tôi cũng trở nên có giá trị hơn, có đẳng cấp trong mắt người khác. Sự sở hữu trên phương diện vật lý ở đây để lại một hệ quả tích cực trên phương diện tâm lý. Chính vì trong vô thức khao khát cái cảm giác tự tin đó, nên người ta không thấy tiếc tiền khi mua Iphone. Phân tâm học gọi đây là hiện tượng “đồng hóa” (identification): chiếc Iphone trở thành phần mở rộng cho cái tôi thấp bé của họ. Để tránh cho cái tôi khỏi quá tải khi mang nặng mặc cảm tự ti trong tâm hồn, cơ chế phòng vệ của cái tôi (ego-defense mechanism) cần phải làm như vậy.

Dùng Iphone vì... mọi người xung quanh đều dùng

Bản chất con người vốn có xu hướng chạy theo đám đông, mà một số người gọi là “tâm lý bầy đàn.” Từ các nghiên cứu về tâm lý học đám đông cách đây hơn một thế kỷ của Gustave Le Bon đến các nghiên cứu về khoa học thần kinh những năm gần đây đã cho thấy từ suy nghĩ đến cảm xúc và hành động của mỗi người đều có thể dễ dàng lây lan sang những người khác, nhất là ở những đám đông vô thức. 

Đám đông vô thức là tập hợp của những người có ý thức mờ nhạt về bản sắc cá nhân. Họ không biết mình là ai trong cuộc đời này, đâu là ý nghĩa cuộc đời mình, đâu là điều mình tin tưởng và khát khao theo đuổi. Đa số tầng lớp thanh niên hiện nay trong xã hội đang sống trong tâm lý như vậy. Họ không suy nghĩ nhiều về bản thân và cuộc sống, họ chỉ đơn giản sống như bao người khác xung quanh, bắt chước theo đám đông mà không hề suy nghĩ về lựa chọn của mình. Và việc họ mua Iphone cũng nằm trong lối sống đó. Khi những người xung quanh và đặc biệt là những người có địa vị cao hơn họ, đều dùng chiếc điện thoại này, "áp lực đồng đẳng" đè nặng nên cái tôi yếu ớt của họ, buộc họ phải mua theo để cảm thấy "bằng anh bằng em."

Thời đại tham đắm vật chất

Trước và sau mỗi đợt ra Iphone phiên bản mới, người ta thấy dư luận xã hội và những người trẻ nói trên tôn sùng một chiếc điện thoại như Kinh Thánh và người sáng tạo ra nó như Chúa Trời. Cùng với việc tôn sùng hàng hiệu, sính ngoại... sự tôn sùng Iphone chính là một loạt những biểu hiện điển hình cho thấy chúng ta đang sống trong thời đại Thái Âm, tức thời đại con người sa đà vào những lạc thú phàm tục của thế giới vật chất.

Đỗ Hoàng Tùng

Phụ nữ với loài mèo: Tương đồng và phóng chiếu


"Người đàn bà với con mèo" (1908) - Kees van Dongen
1.

Một điều mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy là, có nhiều điểm tương đồng giữa phụ nữ và mèo. Mà con người ta thường thích những gì giống mình. Nên phụ nữ thích nuôi mèo (đôi khi còn tự gọi mình là mèo!) là chuyện không có gì khó hiểu cả!

2.

Ở mèo - từ ánh mắt tinh quái, bộ lông mượt mà đến dáng đi khoan thai, chậm rãi.... - tất cả tạo lên một vẻ đẹp đầy tự tin, cuốn hút. Đó chính là những nét đẹp mà phụ nữ nào cũng đều khát khao có được. Họ ngưỡng mộ loài vật này, bởi trên bề mặt ý thức, họ còn chưa nhận diện ra những phẩm chất ấy nơi mình. 

3.

“Lũ mèo lười biếng, chúng chỉ thích ăn ngon và kiếm chỗ ấm trong phòng để nằm ì ra đấy,” người ta hay nói vậy. Trong những ngày đông giá lạnh, phụ nữ cũng muốn được nũng nịu, làm biếng như những chú mèo: nằm cuộn mình trong chăn ấm và có người mang vào tận giường bữa điểm tâm.

Khi không ai động đến thì mèo ta tỏ ra rất hiền lành, nhưng khi ta làm điều gì trái ý nó, thì ngay lập tức nó sẽ dùng những móng vuốt sắc nhọn để tung ra những đòn “sát thương”. Phụ nữ cũng thường có điệu bộ và lối phản ứng hệt như vậy. 

4.

Tiếng kêu gọi bạn tình não nề của những nàng mèo cái khi vào thời kỳ động dục có lẽ đã để lại ấn tượng không ít người trong những đêm mất ngủ. Không giống như loài mèo, phụ nữ có cách khêu gợi bạn tình theo một thể cách biểu lộ khác: thông qua cách trang điểm và ăn mặc. 

Bản năng tính dục mạnh mẽ nơi loài vật này là điều ai cũng thấy. Theo các nhà nghiên cứu, nếu được tự do, một mèo cái có thể có sinh từ 3 đến 7 mèo con trong mỗi 4 tháng. Giống như loài mèo, bản năng tính dục ở phụ nữ cũng vô cùng mạnh mẽ, nhưng vì những định kiến ăn sâu bám rễ vào trong vô thức từ nghìn đời, họ luôn tự/bị bắt buộc phải kim nén, tiết chế bản thân. Chỉ cho đến thời đại hiện nay, phụ nữ mới được tự do bộc lộ mình hơn. 

5.

Trên bề mặt ý thức, để hòa nhập trong đời sống xã hội, người phụ nữ phải đeo cái mặt nạ (persona) của một người trưởng thành. Nhưng thực ra, trong tâm hồn họ vẫn luôn có một cô bé ngây thơ, mỏng manh, hay hờn hay dỗi (inner child). Vì cái tiểu nhân cách này (subpersonality) đôi khi không được cái tôi bận rộn với cuộc đời ngó ngàng tới, sẽ bị chìm sâu vào trong bóng tối vô thức. 

Khi một tiểu nhân cách bị lãng quên như thế, nó không an phận chịu đựng, mà thường tìm cách dành lại sự quan tâm của ý thức bằng cách phóng chiếu (project) lên một đối tượng phù hợp ở ngoại giới. Loài mèo chính là đối tượng mà cái phần cảm tính, dễ tổn thương nhất trong người phụ nữ phóng chiếu vào. Tức là, sự dễ thương mà họ nhìn thấy nơi mèo yêu quý, phản chiếu chính sự dễ thương nơi mình. Khi ôm ấp, vỗ về mèo, thì thực ra, một cách gián tiếp họ đang quan tâm, an ủi cái tiểu nhân cách mỏng manh trong sâu thẳm tâm hồn mình. Để có được cân bằng và lành mạnh trong hệ tâm lý, sự yêu quý dành cho loài mèo nên được "thu về", để dành cho "chú mèo bên trong" tâm hồn mình.

6.

Với dáng vẻ trầm tĩnh, từng bước chân đều thể hiện sự tỉnh thức trọn vẹn trước thực tại hiện tiền, loài mèo biểu trưng cho một sinh vật có trực giác tâm linh mạnh mẽ, hay thậm chí hơn thế. Theo kinh đển đạo Phật, thì cùng với rắn, mèo là loài duy nhất dửng dưng trước cái chết của đức Phật. Với thái độ không động tâm ấy, có quan điểm cho rằng loài mèo đã đạt tới tuệ giác siêu việt. Ta cũng có thể tìm thấy những phẩm chất kể trên ở phụ nữ. 

Có một số hiếm hoi những người phụ nữ đã đi qua đau khổ và biết dùng chính nỗi khổ đau ấy để làm động lực để đi vào trong sâu thăm tâm hồn mình. Họ đã biến hạt mầm khổ đau thành trái ngọt minh triết. Khi tiếp xúc với những người như thế, ta cảm nhận được từ ánh mắt tới phong thái của họ toát ra chiều sâu của sự từng trải, sự bao dung và sự hiểu biết.

Đỗ Hoàng Tùng