Saturday, January 31, 2015

Khái niệm "bộ mặt giả" của Carl Jung

Trang lụa của họa sỹ Nguyễn Thị Châu Giang
Là “cái ta”, thông thường là cái vẻ bề ngoài lý tưởng vẫn thường thấy ở ta, mà ta thể hiện ra với xã hội. 


Bộ mặt giả/giả diện là… một mặc/phức cảm chức năng, nó tồn tại bởi người ta cần phải thích nghi với cuộc sống, bởi sự tiện lợi cho bản thân. 

Trên thực tế người ta không phải là cái bộ mặt giả, nhưng y cũng như những người xung quanh y lại nghĩ rằng chính bộ mặt giả là y. 

Ban đầu từ “bộ mặt giả” (persona) là để chỉ “cái mặt nạ” (mark) mà diễn viên đeo vào khi họ đóng một vai diễn nào đó. Xã hội văn mình phụ thuộc vào những tương tác giữa con người với nhau thông qua những bộ mặt giả mà họ đeo. 

Trước khi bộ mặt giả (persona) được tách biệt ra khỏi cái tôi (ego), thì nó được trải nghiệm như là một cá nhân riêng lẻ, độc lập. Trên thực tế, với vai trò vừa là cái bộ mặt xã giao với xã hội bên ngoài và vừa là cái bộ mặt lý tưởng, nó chẳng có mấy tính cá nhân. 

Như chính cái tên của nó đã thể hiện, thực ra bộ mặt giả chỉ là một cái mặt nạ của tâm thức tập thể, là một cái mặt nạ vờ như là một cá nhân nào đó, làm cho những người xung quanh và chính bản thân ta tin rằng ta là một ai đó, trong khi ta chỉ đang thủ một vai diễn mà qua đó tâm thức tập thể cất lời. 

Khi chúng ta phân tích bộ mặt giả, chúng ta lột bỏ được lớp mặt nạ, và khám phá ra cái có vẻ như là cá nhân kia thực ra chân tướng lại là tập thể, nói cách khác, bộ mặt giả chỉ là cái mặt nạ của tâm thức tập thể. Về bản chất, bộ mặt giả chẳng có gì là thật cả: chẳng qua nó chỉ là sự thỏa hiệp giữa cá nhân và xã hội về việc người ta nên thể hiện ra bề người như thế nào. Người ta cần có một cái tên, kiếm một cái chức vị, làm một vài công việc, là một ông này bà nọ. Ở một mức độ nào đó, tất cả những thứ này là thật, nhưng trong tương quan với cốt tủy cá nhân tính của người đó, thì nó chỉ là một thực tại thứ hai, là một hình thức thỏa hiệp, trong việc tạo ra cái mà tha nhân có phần đóng góp lớn hơn chính họ [tức tâm thức tập thể]. 

Tâm lý học hiểu bộ mặt giả như là một chức năng bắt nguồn từ mối quan hệ tương giao với xã hội bên ngoài, cái hiểu này giúp cho người ta có thể đeo nó lên và tháo nó ra một cách tùy ý. Nhưng qua việc tưởng thưởng một cái bộ mặt giả nào đó, xã hội bên ngoài khuyến khích sự đồng hóa với nó. Tiền bạc, sự tôn trọng và quyền lực đến với những ai có thể trình diễn một cách chuyện chú và thành thạo trong một vai trò xã hội của mình, Do đó, từ chỗ là một thứ đồ dùng hữu dụng, bộ mặt giả lại có thể trở thành một cái bẫy và nguồn gốc gây ra chứng nhiễu tâm.

Một trong số những hệ quả của việc đồng hóa với bộ mặt giả là: ta không còn biết mình là ai nếu không có cái vỏ bọc che đậy, bảo vệ; hành vi cư xử của ta bị mong đợi của xã hội quy định (ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo cái cách mà bộ mặt giả của ta “nên là như vậy mới đúng”); những người gần gũi xung quanh ta trách rằng sao ta quá xa cách; và ta không thể tưởng tượng được rằng cuộc sống của ta sẽ ra sao nếu không có bộ mặt giả. 

Chừng nào ý thức tự thân (ego-consciousness) còn đồng hóa với cái bộ mặt giả, thì chừng đấy đời sống nội tâm vốn bị lãng quên (được nhân cách hóa bằng bóng âm, anima và animus) sẽ vẫn hoạt động theo xu hướng bù trừ. Hệ quả của điều này, tức các triệu chứng mang đặc trưng cho chứng nhiễu tâm mà người ta trải qua, có thể tạo điều kiện, hỗ trợ cho tiến trình trưởng thành xảy ra nhanh hơn. 

Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon 
Đỗ Hoàng Tùng trích dịch

Monday, January 5, 2015

Tại sao dư luận thích "ném đá"?


"Ném đá" vì tự ti

Trước những nhân vật "siêu việt" được tung hô ngoài xã hội, cái tôi thường cảm thấy thua kém, xấu hổ. Vì thế, khi có dịp, nhất là đối với những sự kiện liên quan đến những nhân vật siêu việt đó, cái tôi phải hùa vào phê phán,để thấy rằng "họ hóa ra cũng thường thôi", để thấy rằng mình không thua kém họ, từ đấy cảm thấy mình có giá trị hơn. Đấy là bản năng tự vệ mà không ý thức được rằng phê phán người khác thực ra không làm cho mình cao hơn, giá trị hơn.

Người ta sợ sự siêu việt của người khác vì họ nghĩ rằng sự siêu việt đấy làm cho họ trở nên kém cỏi. Thế nên hành động đầu tiên của suy nghĩ khi chứng kiến một sự siêu việt hơn mình thường là suy nghĩ "chắc họ phải dùng một cách gian lận gì đó" và khi có dịp để chứng minh điều đó là cái tôi chung của xã hội bùng lên, nhất là ở trong một môi trường có thể thoải mái xỉ vả, hạ thấp giá trị của người khác mà (dường như) sẽ không phải chịu hậu quả gì.

"Ném đá" vì ẩn ức



Trong cuộc đời, không ai là không từng ấm ức, bực bội do bị người khác soi mói, chê bai. Nhưng vì hòa khí, nhiều khi ta ném giận vào lòng để giữ được một bộ mặt xã giao cho qua chuyện. Ta tưởng thế là xong nhưng thực ra những ẩn ức đó không mất đi, mà vẫn lẩn khuất đâu đó dưới bế mặt ý thức. Sau đó, chúng lại phối hợp với những suy nghĩ định kiến, hẹp hòi để trở thành một "cái tôi cay nghiệt" (inner critic) chuyên phê phán bản thân và người khác. Đến khi gặp thời cơ thuận lợi, chúng sẽ lại trồi lên, thường là vào lúc bạn không ngờ.



Khi là một cá nhân đơn lẻ, để có thể tồn tại và hòa nhập trong cộng đồng xã hội, ta thường đeo một cái mặt nạ (persona). Tức là, ta vừa thể hiện một số phảm chất ra mà xã hội cho phép hoặc ủng hộ, và vừa kiềm chế một số thôi thúc bản năng bị xã hội cấm đoán. Nhưng khi hòa mình trong đám đông vô danh, không ai biết bạn là ai, nhu cầu đeo mặt nạ sẽ không còn cần thiết nữa. Đó chính là dịp để những ẩn ức vốn bị kìm nén trong mình được bộc lộ ra.

Trước bất cứ "sự được coi là lệch chuẩn" hay "nghịch nhĩ" nào của những nhân vật nổi tiếng, tập hợp các "cái tôi cay nghiệt" của đám đông chộp lấy ngay "cơ hội vàng" đó để "tác oai tác quái", để trút giận. Hệ quả là hết Huyền Chip, đến Đỗ Nhật Nam trở thành nạn nhân đau thương của chúng, thay vì được nâng đỡ, góp ý một cách xây dựng để những người trẻ này có thể trưởng thành hơn.

Ngô Bá Anh & Đỗ Hoàng Tùng