Tuesday, September 29, 2015

Khái niệm "chủ động tưởng tượng" của Carl Jung

Hai Frida - Frida Kahlo
Tác giả tự vẽ chân dung mình trước và sau khi bị chồng phản bội.



Chủ động tưởng tượng (active imagination). Một phương pháp chuyển hóa những nội dung vô thức (giấc mơ, huyễn tưởng,...) thông qua một vài hình thái bộc lộ, phơi bầy bản thân. (Xem thêm mục từ Chức năng siêu việt.)

Mục tiêu của phương pháp chủ động tưởng tượng là tạo cơ hội cho những phương diện khác nhau của nhân cách - vốn thường không được lắng nghe - được cất lên tiếng nói, qua đó thiết lập một đường dây truyền thông giữa ý thức và vô thức. Ngay cả khi sản phẩm cuối cùng - một bức vẽ, một bức tranh, một câu chuyện, một bức điêu khắc, một vũ điệu, một bản nhạc… - không được diễn giải ý nghĩa, thì vẫn có một cái gì đó - đóng góp vào quá trình chuyển hóa tầng ý thức - sẽ vẫn tiếp diễn giữa người sáng tạo và cái được tạo ra. 

Giai đoạn đầu tiên của phương pháp chủ động tưởng tượng cũng giống như nằm mơ khi đang mở mắt vậy (mơ tỉnh). Nó có thể diễn ra theo một cách tình cờ, tự nhiên hoặc người ta có thể chủ động tạo ra nó. 

Ở trường hợp tự mình chủ động, bạn lựa chọn lấy một giấc mơ, hay một vài ảnh tượng huyễn tưởng khác, và tập trung tư tưởng vào nó bằng cách giữ lấy hình ảnh ấy trong tâm và nhìn vào nó. Bạn cũng có thể tận dụng một tâm trạng không vui nào đó làm khởi điểm, và sau đó cố gắng để ý xem nó tạo ra loại ảnh tượng huyễn tưởng nào, hay ảnh tượng nào phản ánh tâm trạng buồn chán. Sau đó bạn có thể “ấn định” hình ảnh đó vào trong tâm bằng sức tập trung tư tưởng. Thường thì nó sẽ biến đổi, bởi việc chỉ riêng quán chiếu nó thôi cũng sẽ khơi dậy sức sống trong nó. Mọi sự biến chuyển luôn cần được cẩn trọng ghi nhận, bởi chúng phản ánh những tiến trình tâm lý trong tầng ngầm vô thức (unconscious background), biểu hiện ra dưới dạng ảnh tượng xuất phát từ chất liệu ký ức của tầng ý thức. Bằng cách này, ý thức và vô thức được nối kết, giống như thác nước nối liền đỉnh thác trên cao và chân thác dưới thấp.

Giai đoạn thứ hai, thay vì chỉ đơn thuần quan sát những ảnh tượng này, ta sẽ chủ động vào giao lưu với chúng, đưa ra đánh giá chân thực nhất về việc chúng có ý nghĩa như thế nào với ta, rồi đi đến cam kết bắt buộc về mặt trí năng và đạo đức để ứng xử theo những hiểu biết đã nhận ra. Đây là một sự chuyển dịch từ thái độ nhận thức, thẩm mỹ sang thái độ xem xét, phán đoán.

Dù ở một mức độ nào đó, người ta nhìn vào từ bên ngoài, nhưng công bằng mà nói, thì anh ta cũng là một nhân vật đang khóc cười trong vở kịch của tâm thức. Nhận thức này là điều cực kỳ cần thiết và đánh dấu một bước tiến quan trọng. Chừng nào người ta còn đơn thuần nhìn vào những ảnh tượng ấy thì chừng đó người ta còn giống như chàng hiệp sĩ Parsifal ngu ngơ, người đã quên không đưa ra câu hỏi hệ trọng nhất bởi anh ta không ý thức được chính sự tham gia của mình vào câu chuyện. (Ở đây Jung ám chỉ tới huyền thoại Chén thánh. Câu hỏi mà Parsifal đã bỏ lỡ là: Chén thánh phụng sự cho ai?) Nhưng nếu bạn nhận thức được sự tham dự của mình, thì bạn phải bước vào câu chuyện với chính con người thật của mình, giống như thể bạn là một trong những nhân vật huyễn tưởng đó, hay nói đúng hơn, như thể vở kịch đang diễn ra trước mắt bạn là thật.

Thái độ xem xét, đánh giá ở đây hàm ý sự chủ động can dự vào trong những tiến trình huyễn tưởng, vốn bổ khuyết cho trạng thái ý thức của cá nhân và đặc biệt là của tập thể. Mục tiêu hiển nhiên của sự can dự này là để tích hợp những gì vô thức tỏ lộ, chuyển hoá những nội dung bổ khuyết, và qua đó tạo ra ý nghĩa trọn vẹn, điều duy nhất giúp cho cuộc đời trở nên đáng sống, cho không chỉ vài người, nếu có thể.

Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch