Friday, October 30, 2015

Quan niệm về "giấc mơ" của Carl Jung


Giấc mơ (dreams). Biểu hiện độc lập, ngẫu nhiên của vô thức; mảnh vụn của hoạt động tâm lý không chủ tâm, vốn chỉ đủ ý thức để có thể tái hiện trong trạng thái thức.

Các giấc mơ không phải là những câu chuyện được thêu dệt một cách chủ tâm, chủ ý; chứng là những hiện tượng tự nhiên, không có gì khác ngoài những gì chúng biểu hiện ra. Chúng không lừa mị hay dối trá, chúng không bóp méo hay che giấu… Chúng luôn tìm cách bộc lộ điều gì đó mà cái tôi không biết và cũng không hiểu. 

Dưới hình thái biểu tượng, giấc mơ ghi lại hiện trạng tâm thức từ góc nhìn của vô thức.

Bởi ý nghĩa của hầu hết giấc mơ không đi theo những khuynh hướng của tâm trí ý thức mà lại bộc lộ ra nhiều đường hướng khác biệt của riêng chúng, chúng ta phải giả định rằng vô thức, cái nôi của những giấc mơ, có một chức năng độc lập. Đây là cái mà tôi gọi là sự tự chủ của vô thức. Các giấc mơ không chỉ bất tuân ý chí của ta mà còn đứng ở thế đối lập lại với những chủ định ý thức của ta. 

Jung thừa nhận rằng trong một số trường hợp các giấc mơ có chức năng ước muốn đạt được và bảo toàn giấc ngủ (theo quan điểm của Freud) và nỗ lực mang tính trẻ con nhằm có được quyền lực (theo quan điểm của Adler), nhưng ông nhấn mạnh vào nội dung biểu tượng và vài trò bù trừ của nó trong cơ chế tự điều chỉnh của tâm thức: chúng tỏ lộ những phương diện mà thông thường người ta không nhận thức được, chúng bộc lộ hững động cơ vô thức vận hành trong các mối quan hệ và đưa ra những quan điểm mới mẻ trong những tình huống xung đột.

Về điểm này, có ba khả năng có thể xảy ra. Nếu thái độ ý thức đối với các tình trạng đời sống phần lớn là cực đoan một chiều, thì giấc mơ sẽ ở chiều hướng ngược lại. Nếu ý thức có lập trường khá là gần với “trung đạo”, thì giấc mơ sẽ thoái mái theo những đường hướng khác biệt. Nếu thái độ ý thức là đúng đắn (thỏa đáng) thì giấc mớ sẽ trùng khớp với và nhấn mạnh vào khuynh hướng này, dù nó không còn sự tự chủ của riêng mình.

Dưới cái nhìn của Jung, mỗi giấc mơ là một vở kịch nơi nội tâm.

Về cơ bản thì toàn thể công trình giấc mơ là chủ quan, và giấc mơ là rạp hát mà trong đó người nằm mơ chính là sân khấu, người đóng vai, người nhắc vở, người sản xuất, người sáng tác, người xem và người phê bình. 

Khái niệm này tạo cơ hội cho sự ra đời của phương pháp giải mộng trên bình diện chủ quan, nơi mà mọi hình ảnh trong mơ đều được coi như là những cuộc trình diễn thông qua biểu tượng của các thành tố trong nhân cách người nằm mơ. Việc giải mộng trên bình diện khác quan thì lại chắp nối toàn bộ những hình ảnh trong mơ với những con người và tình huống nơi thế giới bên ngoài.

Nhiều giấc mơ có cấu trúc như một vở kịch kinh điển. Chúng có phần mở đầu (địa điểm, thời gian và các nhân vật), cho biết tình huống ban đầu của người nằm mơ. Trong giai đoạn hai, có một sự phát triển trong kịch bản (bắt đầu có diễn biến). Giai đoạn ba dẫn đến cực điểm hay cao trào (sự kiện quyết định xảy ra). Giai đoạn cuối cùng là thoái trào, kết quả hay giải pháp (nếu có) của diễn biến trong mơ.

Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch