Tuesday, June 27, 2017

Quá trình trị liệu tâm lý diễn ra như thế nào?





Nhiều độc giả có thể đang trong quá trình trị liệu tâm lý hoặc có thể quen biết người nào đó đã hoặc đang tìm đến tâm lý trị liệu.

Mặc dù có nhiều phương pháp khác nhau mà các nhà trị liệu có thể áp dụng đối với bạn, nhưng chúng đều có cùng một số điểm chung. Và hầu hết các nhà trị liệu đều chữa lành cho thân chủ theo cùng một cách.

Trước tiên, đa phần các phương pháp tâm lý trị liệu đều giúp thân chủ thấu hiểu bản thân (insight) họ rõ hơn.

Nhà trị liệu dẫn dắt thân chủ quan sát những gì đang diễn ra trong nội tâm họ, cũng như những thói quen trong tư duy và hành động của chính họ. Tác dụng của kỹ thuật này là, từ việc nhìn thấu và hiểu rõ tâm tư bản thân mà thân chủ dần thoát khỏi sự ràng buộc của cảm xúc, thói quen/khuynh hướng tư duy, nhờ đó có thể điều khiển tâm trạng tốt hơn.

Phương pháp này đem đến sự thông cảm và thấu hiểu, giúp cho thân chủ cảm thấy bớt bị kiểm soát bởi những cảm nhận và lề lối suy nghĩ , thay vào đó thân chủ có thể làm chủ bản thân họ tốt hơn.

Xác định và gọi tên được vấn đề đang tồn tại có thể giúp ta phần nào kiểm soát được nó. Một vài phương pháp hướng đến thấu hiểu bản thân bao gồm tìm hiểu quá khứ, trong khi những phương pháp khác, đặc biệt là những phương pháp bị ảnh hưởng bởi thực hành chánh niệm, hoặc những phương pháp đề ra cái được gọi là sự định hướng nhận thức – hành vi thì lại tập trung vào sự hiểu biết thực tại đang xảy ra trong tâm trí (bây giờ và ở đây) và cả những điều thân chủ cảm nhận được trong căn phòng cùng nhà trị liệu.

Phương pháp thứ hai mà các nhà tâm lý trị liệu thường áp dụng là tạo ra những trải nghiệm mới cho thân chủ hay khuyến khích họ tự tạo ra chúng cho chình mình.

Điều tôi muốn nói ở đây chính là dù nhà trị liệu có chủ đích thực hiện kỹ thuật này hay không, thì một quá trình trị liệu tốt sẽ khiến cho kỹ thuật đó đủ an toàn để thân chủ có thể thử nghiệm và trải nghiệm sự liên hệ giữa anh ấy hay cô ấy với thế giới này theo một cách mới mẻ và lành mạnh hơn.

Thông thường, sự liên hệ đầu tiên diễn ra là trong mối quan hệ của thân chủ với nhà trị liệu tâm lý.

Theo thời gian, nhà trị liệu sẽ vừa hỗ trợ thân chủ thử nghiệm với những cách ứng xử mới trong toàn bộ các mối quan hệ của họ, vừa đưa ra sự giúp đỡ và bằng chứng để chứng minh rằng những cách tiếp cận lành mạnh hơn đối với cuộc sống là hoàn toàn có thể.

Niềm hy vọng rằng sự đồng hành sẽ thay đổi thành công hành vi ứng xử là rất quan trọng đối với nhiều thân chủ - những người tìm đến trị liệu với tinh thần bi quan và không thể nói được ra, rằng tất cả mọi việc xảy ra trên đời là cần phải thế, và chúng bắt buộc phải thế.

Những trải nghiệm tốt đẹp hơn sẽ là một cách phản đối mạnh mẽ đối với .quan điểm sống bi quan này.

Lấy ví dụ, một bệnh nhân nữ của tôi rất sợ đề nghị ông chủ của cô tăng lương, mặc dù là cô ấy xứng đáng được như vậy.

Tôi đã giúp cô thấu hiểu thứ niềm tin mà cô bí mật che giấu - và, do những trải nghiệm trong quá khứ đã khiến cô luôn luôn che giấu - rằng cô không cần thể hiện bản thân/”tỏa sáng" ở nơi công sở, tham vọng là xấu, và cô không nên tiến cử bản thân cũng như năng lực của mình. Trở nên nhận thức rõ ràng thứ niềm tin sai lầm cùng những hình thái biểu hiện của chúng khiến cô ấy như bừng tỉnh và hiểu ra sự tự ti của mình thật vô lý, chúng đã cản trở cô trước bao nhiêu cơ hội.

Khi cô ấy cảm thấy an toàn hơn và tin tưởng tôi nhiều hơn, trong buổi trị liệu của chúng tôi, cô bắt đầu thử nghiệm cảm giác tự hào đối với những thành tựu của mình và dần dần tập thái độ tự khẳng định bản thân trong những ”đấu trường” xã hội khác. Cuối cùng, cô đã có dũng khí để đứng trước mặt ông chủ, dùng lý lẽ chính đáng lên tiếng đòi hỏi một sự thăng tiến.

Đây chính là cách tâm lý trị liệu vận hành. Những nhà tâm lý trị liệu khác có thể đưa ra những phương án trị liệu khác nhau cho trường hợp của thân chủđó, nhưng để thành công, hầu hết sẽ cần kết hợp một vài kỹ thuật giúp nhìn thấu tâm trí, cùng nhiều kiểu thực tập thay đổi hành vi, bên trong hoặc bên ngoài quá trình trị liệu.

Thấu hiểu bản thân cùng sự trải nghiệm những cách ứng xử mới lành mạnh hơn là chìa khóa cho việc thay đổi tâm lý và được thấy trong hầu hết các trường phái tâm lý trị liệu.

Nếu bạn đang trong quá trình trị liệu tâm lý, hãy hỏi nhà trị liệu về điều này.

Nếu bạn không đang trong trị liệu, nhưng bạn muốn và cần được trị liệu, hãy hỏi nhà trị liệu tương lai rằng anh/cô ta có quan điểm thế nào về hai khái niệm nền tảng này không.


Michael Bader DMH, là một nhà tâm lý thực hành độc lập tại Grass Valey, California, Mỹ.

Nguồn: Michael Bader: How does psychotherapy work?
Hoàng Thanh Vân dịch
Nguyễn Hải Linh hiệu đính

Monday, January 9, 2017

Vì sao ta mặc cảm tự ti* và làm thế nào để vượt qua nó


Bạn đã bao giờ cố gắng tự vượt qua cảm giác mặc cảm, tự ti của mình? Khám phá xem liệu cảm giác này và mong muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh gắn kết với nhau như thế nào, từ đó, bạn sẽ hiểu rằng khi bạn từ bỏ mong muốn điều khiển mọi thứ xung quanh mình, cảm giác mặc cảm, tự ti cũng sẽ biến mất theo. 

Nhiều người trên hành trình hàn gắn bản thân cảm thấy cực kỳ khó thoát khỏi cảm giác mặc cảm, tự ti. Nhưng khi bạn hiểu ra mục đích tồn tại của cảm giác này, bạn có thể vượt qua được nó. 

Mặc cảm, tự ti là cảm giác bạn cảm thấy có gì đó bất ổn về bản thân mình. Cảm giác tội lỗi là khi bạn làm điều gì đó sai trái, còn mặc cảm, xấu hổ, tự ti là khi bạn cảm thấy có điều gì đó sai trái về chính bản chất của mình. Cảm giác tự ti đến từ suy nghĩ rằng: “Về cơ bản là tôi không hoàn hảo, tôi thiếu sót, tôi sai trái, tôi tồi tệ, tôi xấu xa, tôi không quan trọng, tôi không xứng đáng và nói chung là không đủ tốt.” 

Tại thời điểm nào đó trong cuộc đời mình, khi còn nhỏ, phần lớn chúng ta bị tiêm nhiễm cái niềm tin sai lầm này và chính nó là nguyên nhân của sự tự ti. Đấy là kết quả của việc không được nhìn nhận, thấu hiểu, quan tâm, yêu thương đúng mức. Chúng ta tự xây dựng một niềm tin rằng chúng ta không được yêu quý vì có cái gì sai trái, không ổn ở trong chính bản thân chúng ta. Một số đứa trẻ thì bị nói thẳng vào mặt rằng chúng chẳng ra sao cả – chúng là những đứa trẻ hư hỏng, ngu ngốc và không xứng đáng – những đứa khác tự kết luận rằng mình không ổn vì cách mà người ta đối xử với chúng. 

Khi chúng ta tự thiết lập được một niềm tin về sự kém cỏi của bản thân, chúng ta trở nên nghiện sự tự ti đó vì chúng có ích chúng ta ở hai phương diện:

1. Nó cho chúng ta một cảm giác kiểm soát được cảm xúc và hành vi của người khác 

Chừng nào chúng ta vẫn tin rằng nguyên nhân người ta từ chối mình là ở bản thân mình, thì chừng đó chúng ta sẽ vẫn tin rằng mình còn có thể làm được điều gì đó. Nó cho chúng ta một cảm giác chủ động, rằng họ từ chối chúng ta, không yêu thương chúng ta là bởi chính ta. Và vì chính ta nên ta có thể thay đổi được điều đó bằng cách làm mọi việc theo cách “đúng đắn”. Chúng ta cứ bám víu vào niềm tin rằng họ cư xử như vậy là do lỗi của mình vì chúng ta không muốn chấp nhận rằng họ có quyền cư xử hay cảm thấy theo cách họ muốn (chứ thực ra chả liên quan gì đến chúng ta cả), chúng ta không muốn chấp nhận sự bất lực của mình trước người khác. 

2. Nó che đậy những cảm xúc sâu kín mà ta không muốn đối diện, cho ta cảm giác ta có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. 

Mặc dù cảm giác mặc cảm, tự ti có thể tồi tệ, nhiều người vẫn cảm thấy nó dễ chịu hơn là những cảm xúc mà nó đã lấn át: cô đơn, buồn tủi, đau đớn, sầu thảm hay bất lực trước những người khác. Cũng như cơn giận dữ thật ra chỉ là vỏ bọc che giấu những cảm xúc khó chịu khác, sự mặc cảm, tự ti cũng vậy. Nó hoàn toàn khác với cảm giác cô đơn, buồn tủi hay bất lực trước người khác. 

Mặc cảm, tự ti là cảm giác bắt nguồn từ chính niềm tin của chúng ta, nhưng cô đơn, buồn tủi, đau thương hay sầu thảm hoặc bất lực thì là những cảm xúc tất yếu ai cũng phải trải qua (existential feelings) - những cảm xúc vốn là hệ quả tự nhiên của cuộc đời. Chúng ta cảm thấy buồn tủi và đau đớn khi chúng ta mất một ai đó chúng ta yêu quý. Chúng ta thấy cô đơn khi chúng ta muốn nói chuyện, chơi đùa cùng ai đó, nhưng chẳng có ai bên cạnh hay chẳng có ai đủ cởi mở để có thể nói chuyện, yêu thương, hay chơi đùa được. Nhiều người thà sống những cảm xúc tiêu cực họ tự tạo ra cho mình còn hơn là cảm nhận những cảm xúc đau đớn chân thật của cuộc đời. 

Nếu bạn cảm thấy khó có thể vượt qua được sự mặc cảm, tự ti của bản thân mình, điều đó có thể có nghĩa là bạn đang nghiện cảm giác kiểm soát mà niềm tin xuất phát từ sự măc cảm, tự ti mang lại: Sự kiểm soát đối với cảm xúc và cư xử của người khác và sự kiểm soát đối với cảm xúc sâu kín, chân thật của chính mình. Chừng nào bạn vẫn còn muốn kiểm soát, tâm trí bạn sẽ không thoát khỏi niềm tin sai lệch này. 

Bạn có thể tự vượt qua sự mặc cảm, xấu hổ, tự ti của bản thân mình bằng cách: 

1. Bạn sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng cảm xúc của người khác thì chẳng liên quan gì đến bạn cả. 

Khi bạn chấp nhận rằng người khác có quyền tự do trong cảm xúc của họ, cởi mở hoặc không, yêu thương hay chán ghét – rằng bạn không phải là nguyên nhân cho việc đó, và bạn không còn coi rằng tất cả cảm xúc, hay hành vi của họ đều là hướng đến mình – thì bạn sẽ không còn có nhu cầu phải kiểm soát chúng nữa. Khi bạn từ bỏ nhu cầu kiểm soát đối với người khác và thay vào đó cảm thông, từ ái đối với bản thân và người khác, bạn sẽ buông bỏ được niềm tin rằng mình là nguyên nhân cho mọi sự tồi tệ. 

2. Bạn sẵn sàng chấp nhận những cảm xúc sâu kín, chân thật bên trong bản thân mình, thay vì che dấu nó bằng mặc cảm, xấu hổ, tự ti hay tức giận. Khi bạn học được cách nuôi dưỡng bản thân bằng việc chiêm nghiệm thực tại và bằng sự quan tâm và nhân ái đối với chính những cảm xúc tự nhiên của mình, bạn sẽ không còn cảm thấy cần sự bảo vệ khỏi chúng bằng sự xấu hổ hay đổ lỗi nữa. 

Nhu cầu kiểm soát và mặc cảm tự ti gắn bó với nhau rất lắt léo, phức tạp. Khi bạn từ bỏ nhu cầu kiểm soát, thay vào đó bạn học cách cảm thông và từ ái với bản thân cũng như với người khác, bạn sẽ thấy mặc cảm tự ti của mình biến mất. 

Margaret Paul Ph.D, Why We Shame and How to Conquer It
Ngô Bá Anh dịch

(*) Shame, trong tiếng anh, từ này mang nhiều ý nghĩa: xấu hổ, mặc cảm, tự ti, bẽ bàng, tủi hổ, tiếc nuối... Trong phạm phi bài viết và để đơn giản hóa, người dịch xin phép dịch ngắn gọn là mặc cảm, tự ti.